Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nêu 3 kịch bản về tình hình xung đột ở Ukraine. (Nguồn: TASS) |
Trên kênh Telegram, ông Medvedev viết: “Đó là một thực tế mới, điều kiện sống mới. Chừng nào còn tồn tại quyền lực như vậy ở Kiev, thì sẽ có, giả sử, 3 năm ngừng bắn, 2 năm xung đột, rồi mọi thứ sẽ lại xảy ra như cũ”.
Theo cựu Tổng thống Nga, Kiev sẽ không có tương lai nếu tiếp tục tình trạng hiện tại và sự sụp đổ của Nhà nước Ukraine "là không thể tránh khỏi", đồng thời vạch ra 3 kịch bản có thể dẫn đến sự sụp đổ này.
Trong kịch bản thứ nhất, một phần của miền Tây Ukraine sẽ nằm dưới quyền kiểm soát và cuối cùng sẽ bị các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) sáp nhập.
“Vùng đất trống” còn lại sẽ trở thành “một nước Ukraine mới”, vẫn cố gắng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gây ra mối đe dọa đối với Moscow.
Trong trường hợp đó, xung đột vũ trang sẽ sớm bùng phát trở lại, có khả năng trở thành thường trực với nguy cơ nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh thế giới toàn diện.
Kịch bản thứ hai, Ukraine có một chính phủ lưu vong nhưng trên thực tế không còn tồn tại, với quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ được phân chia giữa EU và Nga.
Trong trường hợp này, nguy cơ nổ ra chiến tranh thế giới không quá cao, nhưng “hoạt động khủng bố” trên những vùng lãnh thổ bị các nước láng giềng EU sáp nhập sẽ kéo dài.
Tuy vậy, ông Medvedev nghiêng về kịch bản thứ ba hơn. Theo đó, những vùng lãnh thổ phía Tây của Ukraine tự nguyện sáp nhập vào các nước láng giềng EU, trong khi những vùng lãnh thổ ở miền Đông và một số khu vực miền Trung thực hiện “quyền tự quyết được quy định trong Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc”.
Ukraine hiện chưa đưa ra bình luận về những nhận định trên.
Trong khi đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland tuyên bố, Washington đã hỗ trợ lên kế hoạch cho chiến dịch phản công của Ukraine trong khoảng 4-5 tháng qua và hiện nay, đã bắt đầu thảo luận với Kiev về tương lai lâu dài của quốc gia Đông Âu.
Theo quan chức ngoại giao Mỹ, chiến dịch phản công sẽ “có khả năng bắt đầu và diễn ra đồng thời” với các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, dự kiến được tổ chức vào ngày 11/7.
Ngoài ra, Mỹ đang lên kế hoạch củng cố quân đội tương lai của Ukraine, đồng thời "vẽ nên một bức tranh màu hồng" về tương lai mà trong đó, Kiev là “động cơ hồi sinh châu Âu” và “nêu gương dân chủ… cho toàn thế giới”.
Liên quan viện trợ quân sự cho Kiev, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiết lộ, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG), bao gồm 31 thành viên NATO và một số nước "không liên kết", đã cam kết cung cấp gần 65 tỷ USD để hỗ trợ quốc gia Đông Âu.
Ông Austin tuyên bố, Washington “cam kết sát cánh với Ukraine trong thời gian dài”, đồng thời khẳng định những người ủng hộ Ukraine vẫn “đoàn kết hơn bao giờ hết”.
Về máy bay chiến đấu, theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Washington hy vọng khóa đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay F-16 bắt đầu trong vài tuần tới”.
Ngoài kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Kiev, Mỹ hiện đang tập trung vào việc chuyển giao cho Ukraine “các hệ thống phòng không và đạn dược bổ sung”.