📞

Tình hình Ukraine: Nga phá hủy cơ sở tình báo vô tuyến và vũ trụ tại Odessa, nói về mục tiêu tiêu diệt quan trọng hơn ông Zelensky

Chu Văn 01:24 | 10/03/2024
Nga phá hủy cơ sở tình báo tuyệt mật của Ukraine tại Odessa; Moscow nói tới ý đồ thủ tiêu Tổng thống Zelensky; Ngoại trưởng Anh đề cập việc điều quân và huấn luyện tại Ukraine; Ba Lan nêu thêm quan điểm về việc binh sĩ NATO hiện diện ở Ukraine... là những tin tức cập nhật về tình hình Ukraine.
Cập nhật tình hình Ukraine: Nga phá hủy cơ sở tình báo vô tuyến và vũ trụ tại Odessa, nói về mục tiêu tiêu diệt quan trọng hơn ông Zelensky. (Nguồn: Anews)

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ quân đội Nga cho hay, trong đợt tấn công Odessa vào đêm mùng 7, rạng sáng 8/3 (giờ địa phương), Moscow đã phá hủy hoàn toàn cơ sở tình báo vô tuyến và vũ trụ “Ovidiopol-2” của Ukraine đặt tại thành phố cảng này.

Cơ sở tình báo tuyệt mật của Ukraine nằm gần làng Akkarzha thuộc vùng Ovidiopol. Dưới thời Liên Xô trước đây, cơ sở này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động trinh sát điện tử và chặn thông tin truyền qua các kênh liên lạc vệ tinh. Sau năm 1991, cơ sở này thực hiện các nhiệm vụ tương tự cho cơ quan tình báo Ukraine.

Năm 2020 có thông tin cho rằng, “Ovidiopol-2” đã được chuyển giao cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

* Việc thủ tiêu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nằm trong kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Đây là tuyên bố của Phó đại diện LB Nga tại LHQ Dmitry Poliansky.

Ông Poliansky đưa ra tuyên bố trên khi bình luận về vụ Nga tấn công thành phố Odessa đúng lúc ông Zelensky có mặt tại đây để gặp Thủ tướng Hy Lạp. Lúc đó báo chí Hy Lạp đã đưa tin đoàn xe của Tổng thống Ukraine bị tên lửa Nga tấn công, song không ai bị thương.

Sau đó, theo thông báo từ Bộ quốc phòng Nga, Không quân Nga đã thực hiện vụ tấn công tên lửa vào khu nhà chứa máy bay tại cảng công nghiệp Odessa nơi Ukraine cất các xuồng không người lái để tấn công quân sự. Theo ông Poliansky, đối với Nga, các xuồng không người lái này là mục tiêu tiêu diệt quan trọng hơn ông Zelensky.

* Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung đăng ngày 9/3, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã tuyên bố phản đối việc điều binh sĩ phương Tây tới Ukraine, thậm chí cả với mục đích thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Ông Cameron cho biết, sứ mệnh huấn luyện tốt nhất nên được thực hiện ở nước ngoài, đồng thời lưu ý rằng Anh đã huấn luyện 60.000 binh sĩ Ukraine theo cách đó.

Theo ông, việc đưa binh sĩ nước ngoài vào Ukraine sẽ tạo ra mục tiêu cho Nga. Ngoài ra, ông đánh giá Ukraine cần nhiều vũ khí tầm xa hơn và ông sẵn sàng hợp tác với Berlin để gạt bỏ sự dè dặt trong việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất cho Kiev.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 đã gây xôn xao cho các đồng minh khi không loại trừ khả năng điều binh sĩ phương Tây tới Ukraine. Tuy nhiên, Berlin đã từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine vì lo ngại, với tầm bắn 500 km, tên lửa này có khả năng được sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

* Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski vừa tuyên bố sự hiện diện của các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine là điều "không phải là không được tính đến", đồng thời đánh giá cao việc Tổng thống Pháp đã không loại bỏ ý tưởng này.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Sikorski đưa ra khi phát biểu trước quốc hội ngày 8/3 nhân kỉ niệm 25 năm ngày Ba Lan trở thành thành viên NATO, cũng như bình luận về tuyên bố hồi tháng 2 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không thể loại trừ khả năng các binh sĩ phương Tây sẽ được điều đến Ukraine.

Lời bình luận của ông Macron đã khiến các nhà lãnh đạo khác phản đối kịch liệt và các quan chức Pháp sau đó đã phải tìm cách làm rõ tuyên bố của ông Macron và hạ nhiệt làn sóng phản ứng dữ dội, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Nga - rằng Moscow không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thuộc số các nhà lãnh đạo châu Âu loại trừ khả năng điều quân tới Ukraine sau tuyên bố của ông Macron, khi khẳng định Ba Lan không có kế hoạch điều binh sĩ của mình tới lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sikorski dù không tuyên bố về kế hoạch điều binh sĩ Ba Lan tới Ukraine, song lại phát biểu với một giọng điệu khác, khi cho rằng sự hiện diện của các lực lượng NATO ở Ukraine "là điều không phải là không được tính đến".

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Tusk sẽ đến Washington vào tuần tới. Ba Lan đang hy vọng thúc đẩy Mỹ hành động nhiều hơn để giúp Ukraine.

Ba Lan là quốc gia thành viên nằm dọc sườn phía Đông NATO, với Ukraine giáp biên giới phía Đông nước này. Ba Lan trong quá khứ từng chịu sự kiểm soát của Nga và đang lo sợ, nếu Nga chiến thắng ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các quốc gia khác trong khu vực mà Moscow coi là phạm vi quan tâm của mình.

(theo AFP, TASS)