Ngoại trưởng Ukraine Kuleba phát biểu tại phiên họp của ĐHĐ LHQ vào sáng 23/2 (giờ Việt Nam). (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc mít-tinh yêu nước do chính quyền tổ chức ở thủ đô Moscow nhân Ngày bảo vệ Tổ quốc (23/2), Tổng thống Putin nói: “Tôi vừa nghe từ giới lãnh đạo quân sự hàng đầu của nước ta rằng, hiện đang diễn ra cuộc chiến vì những vùng đất lịch sử của chúng ta, vì nhân dân chúng ta”.
Ông cũng ca ngợi các quân nhân Nga ở Ukraine đang “chiến đấu anh dũng, can đảm: chúng ta tự hào về họ”.
Trong khi đó, sáng 23/2 (giờ Việt Nam), ĐHĐ LHQ đã nhóm họp phiên đặc biệt, dự kiến kéo dài 2 ngày, nhân sự kiện tròn 1 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phát biểu khai mạc phiên họp khẩn cấp, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi nêu rõ, trong một năm qua, LHQ, Tổng thư ký tổ chức này António Guterres và toàn thể cộng đồng quốc tế đã thống nhất và nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột; kêu gọi tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Theo ông Csaba Kőrösi, cuộc xung đột "đã cướp đi sinh mạng, kế sinh nhai và cuộc sống của quá nhiều người. Nhìn lại 1 năm như một lời nhắc nhở rằng các giải pháp quân sự sẽ không thể chấm dứt được xung đột”.
Về phần mình, ông Guterres nhấn mạnh: “Hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Xung đột càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều”.
Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan, cộng đồng quốc tế tuân thủ các giá trị, nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương LHQ, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ủng hộ sáng kiến dành một gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 5,6 tỷ USD giúp người dân Ukraine.
Dự kiến, ĐHĐ sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết mới hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột và lập lại hòa bình trong khu vực.
Dự thảo được khoảng 60 quốc gia bảo trợ, “nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được, càng sớm càng tốt, một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ”.
Tương tự các nghị quyết trước đó, dự thảo tái khẳng định “cam kết của LHQ đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch.
Dự thảo cũng yêu cầu Nga “rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của nước này khỏi lãnh thổ Ukraine”.
Kiev hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của nhiều quốc gia như hồi tháng 10/2022, khi 143 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine.
hông có quốc gia nào khác trên thế giới mong muốn hòa bình nhiều như Ukraine".
Theo các nguồn tin ngoại giao, Ukraine đã ngừng thúc đẩy ý tưởng “lồng ghép” vào dự thảo kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trình bày hồi tháng 11 năm ngoái.
Liên quan dự thảo nghị quyết này, ngày 22/2, phái đoàn Belarus tại LHQ đã đề xuất 2 nội dung sửa đổi.
Nội dung sửa đổi đầu tiên viết: “Lên án mạnh mẽ những tuyên bố của một số nhà lãnh đạo Nhóm Tiếp xúc Normandy về ý đồ thực sự của họ khi đưa ra Gói biện pháp thực hiện Thoả thuận Minsk không phù hợp với mục đích giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở một số khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine”.
Nội dung sửa đổi thứ hai liên quan vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine và “kêu gọi các quốc gia thành viên kiềm chế gửi vũ khí đến khu vực xung đột”.