Hình ảnh do binh lính Ukraine chụp về động cơ Czech trong UAV Nga. (Nguồn: The Kiev Independent) |
* Nga bổ sung hơn 230.000 quân kể từ đầu năm 2023: Ngày 3/8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, cho hay Nga đã bổ sung hơn 230.000 người vào quân đội kể từ đầu năm 2023. Ông Medvedev nói: “Theo Bộ Quốc phòng, từ ngày 1/1 đến 3/8… tổng cộng hơn 231.000 người đã được nhận vào quân đội theo hợp đồng”.
Trước đó, tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động quân một phần, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Ít lâu sau, Moscow tiến hành chiến dịch tuyên truyền lớn, hy vọng thu hút người dân tham gia vào quân đội bằng các ưu đãi về tài chính. Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo kế hoạch tăng quy mô quân đội Nga lên 1,5 triệu người.
* Nga khẳng định nỗ lực ngăn chặn xung đột từ năm 2014: Ngày 3/8, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Khi diễn ra cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014, chủ nghĩa dân tộc bắt đầu trỗi dậy và khi người Donbass không muốn chung sống với họ, đó là thời điểm rất khó khăn”.
Theo ông Peskov, “Nga (khi đó) đã làm mọi cách để ngăn chặn xung đột, để đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề này và bảo vệ quyền của khu vực và người dân Donbass bằng biện pháp chính trị và ngoại giao”.
Quan chức này nhấn mạnh thỏa thuận Minsk, ký kết vào ngày 12/2/2015, được xem là nền tảng để giải quyết tình hình ở Donbass. Tuy nhiên, Kiev đã kéo dài tiến trình hòa bình trong nhiều năm và từ chối thực hiện thoả thuận, đồng thời sau đó tuyên bố không chấp nhận nội dung chính trị trong gói thoả thuận này cũng như từ chối đối thoại trực tiếp với các nước “cộng hòa” tự xưng ở Donbass.
* Tổng thống Ukraine thừa nhận “tình hình khó khăn” ở phía Nam: Ngày 3/8, phát biểu trong video hằng đêm, ông Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Đụng độ quyết liệt đang diễn ra. Họ đang cố gắng ngăn cản chúng ta bằng tất cả sức lực, với các đợt tấn công gay gắt (tại Bakhmut và phía Đông). Ở phía Nam, mọi thứ đều khó khăn. Song dù họ có làm gì, sức mạnh của Ukraine cũng sẽ chiến thắng”.
Nhà lãnh đạo này nhận định các đợt không kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga trong tuần, bao gồm cuộc tấn công cảng Danube ở Izmail, cho thấy nhu cầu cần tăng cường hệ thống phòng không. Ông nêu rõ: “Đối thủ đã triển khai ít nhất 1961 UAV Shahed. Chúng ta đã bắn hạ một lượng lớn, song chưa phải tất cả. Chúng ta đang nỗ lực tăng tỷ lệ này lên tối đa, thông qua việc có thêm các hệ thống phòng không”.
Về phần mình, viết trên Telegram sau buổi gặp gỡ sĩ quan ở khu vực miền Đông Ukraine, Tư lệnh lực lượng bộ binh Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết, ông đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ phản công: “Tại Bakhmut, tôi đã tập trung vào các vấn đề hiện tại như tăng tốc độ phản công, đẩy mạnh hoạt động và giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong triển khai các nhiệm vụ hiện nay”.
* Động cơ Czech xuất hiện trong UAV Nga tại Ukraine? Ngày 3/8, tờ báo The Kiev Independent (Ukraine) đã đăng tải bức ảnh về UAV Nga có động cơ mang dòng chữ “Made in Czech Republic” (Sản xuất tại Czech). Bức ảnh do một binh sỹ Ukraine chụp khi phát hiện ra chiếc UAV này tại một vị trí gần Bakhmut.
Ngay sau đó, nhà sản xuất loại động cơ trên, công ty AXI Model Motors có trụ sở tại Hradec Kralove (Czech), khẳng định chưa bao giờ cung cấp động cơ cho vũ khí Nga và đã không sản xuất động cơ này hơn một năm qua. Theo đó, động cơ UAV thuộc số các mặt hàng công ty đã bán cho Kyrgyzstan theo sự cho phép của cơ quan an ninh và tình báo Czech. Tuy nhiên, sau đó các động cơ này có thể đã được bán lại cho Nga.
* Mỹ cam kết hỗ trợ nếu Nga trở lại thỏa thuận ngũ cốc: Ngày 3/8, Ngoại trưởng Anthony Blinken cho hay Washington sẽ hỗ trợ xuất khẩu lương thực nếu Moscow trở lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, hay thoả thuận về ngũ cốc, với Kiev.
Ông Blinken nêu rõ: “Trong trường hợp nối lại thoả thuận, chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục làm mọi việc cần thiết để bảo đảm rằng tất cả có thể xuất khẩu lương thực của họ một cách tự do và an toàn, bao gồm cả Nga”. Theo ông, nước này muốn thấy lương thực có mặt đầy đủ với giá thành thấp trên thị trường thế giới.