London kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. (Nguồn: Youtube) |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 1/3 cho biết nước này và Hà Lan đã ký thỏa thuận an ninh, mở đường để Amsterdam cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự lên tới 2 tỷ Euro trong năm nay.
Thông báo trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky cho biết: “Hôm nay, tôi và Thủ tướng Mark Rutte đã ký thỏa thuận an ninh song phương. Văn kiện này cho phép hỗ trợ quân sự trị giá 2 tỷ Euro từ Hà Lan, cũng như thúc đẩy hỗ trợ quân sự trong 10 năm tới”.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Ukraine và Hà Lan ở Kharkov.
Hiện Kiev đang đối diện với sức ép gia tăng ở tiền tuyến trong những tháng qua, buộc nước này hối thúc các đồng minh phương Tây gửi thêm viện trợ.
Tháng trước, Ukraine cảnh báo nước này chỉ nhận được khoảng 30% số đạn được mà Liên minh châu Âu cam kết chuyển và đang gặp khó khăn trong cuộc chiến. Tình hình hiện nay buộc quân đội Ukraine phải rút khỏi thị trấn Avdeevka.
* Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ông sẽ không chấp nhận bất kỳ quyết định nào lôi kéo quân đội Đức tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.
Đây là được xem là phản ứng trước những lời chỉ trích của Anh về sự miễn cưỡng của nhà lãnh đạo Đức trong việc cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.
Tờ Politico đưa tin, London trước đó đã kêu gọi riêng Berlin cung cấp tên lửa Taurus và bày tỏ thái độ khó chịu trước những bình luận của Thủ tướng Scholz về hoạt động của Anh ở Ukraine.
“Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ quyết định nào dẫn đến việc quân đội Đức bằng cách nào đó tham gia chiến dịch quân sự liên quan xung đột Nga-kraine”, Politico dẫn phát biểu của ông Scholz tại Hội nghị An ninh Munich nêu rõ.
* Trước đó, cùng ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã ký chương trình hợp tác giữa Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2024, trong đó có kế hoạch tiếp tục tái cơ cấu các lực lượng vũ trang Ukraine theo các tiêu chuẩn của NATO, cũng như tăng cường hợp tác giữa Kiev với liên minh quân sự này.
Chương trình bao gồm việc thực hiện 50 bước nhằm đạt được 17 mục tiêu như hoàn thành chuyển đổi hệ thống chỉ huy và quản lý theo chuẩn NATO; thành lập trung tâm phân tích, huấn luyện và đào tạo chung giữa Ukraine và NATO; xây dựng văn kiện quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng theo tiêu chuẩn NATO; đưa ra những thay đổi về luật pháp của Ukraine nhằm tăng cường kiểm soát dân sự đối với quân đội.
Tháng 9/2022, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO trên cơ sở ưu tiên và đã được đảm bảo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) hồi tháng 7/2023 rằng Kiev sẽ được chấp thuận nếu đáp ứng được các yêu cầu cần thiết.
Tuy nhiên, hiện chưa có thời gian biểu cho việc kết nạp Ukraine. Trong khi đó, NATO vẫn liên tục chỉ ra thực tế rằng mục tiêu gia nhập của Ukraine là bất khả thi khi nước này vẫn đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Ukraine đang cố gây sức ép lên các quốc gia thành viên NATO về vấn đề gia nhập. Ông cảnh báo tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine sẽ gây ra hậu quả rất tiêu cực đối với an ninh châu Âu và sẽ kích động phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.