Ukraine khẳng định sẽ tiếp tục duy trì vị trí hiện nay tại Bakhmut. Trong ảnh, một xe tăng Ukraine tại Bakhmut. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 11/5, trang mạng Discover24 (Nga) cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đang nỗ lực phản công ở Bakhmut. Theo Bộ Tổng tham mưu VSU, lực lượng này đã đột phá, tiến sâu 1km ở sườn Nam Bakhmut theo hướng làng Kleshcheevka.
Kênh Telegram của Wagner Orchestra cũng xác nhận: "Trên bản đồ ở khu vực làng Kleshcheevka, ghi nhận mũi thọc sâu của đối phương".
Các chuyên gia Nga nhận định tận dụng chiến thắng này, VSU có thể phản công bất ngờ từ hai bên sườn. Đây là nơi lãnh đạo tập đoàn Wagner Yevgeny Prizgozhin lưu ý về khả năng phía Ukraine có thể tấn công.
Tuy nhiên, phát biểu cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin rằng Ukraine đã đạt được đột phá tại Bakhmut: "Tình hình chung trong khu vực diễn ra Chiến dịch quân sự đặc biệt đang được kiểm soát".
Về phần mình, phát biểu trên kênh TSN (Ukraine), Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, ông Oleksiy Danilov, tuyên bố VSU sẽ tiếp tục bám trụ tại Bakhmut. Quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không đầu hàng ở Bakhmut và chúng tôi sẽ tiếp tục bám trụ ở đây đến khi nào quân đội vẫn thấy việc này là cần thiết vì lý do chiến thuật và chiến lược của quân đội cũng như chính quyền của đất nước chúng tôi”.
Cùng ngày, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết khối đã cung cấp 1.000 tên lửa cho Ukraine, dù không nêu rõ đó là các loại tên lửa nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Tôi biết điều đó là chưa đủ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng ông ấy sẽ trì hoãn cuộc phản công. Chắc chắn họ cần chuẩn bị nhiều hơn. Họ cần nhiều vũ khí hơn, họ cần có nhiều năng lực hơn và chính chúng tôi phải cung cấp điều đó".
Trong khi đó, ngày 11/5, Reuters dẫn 5 nguồn tin ngoại giao cho biết trong cuộc thảo luận kín đầu tiên của 27 nước EU về gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, Đức đã kêu gọi châu Âu thận trọng với việc đưa Trung Quốc vào trong gói trừng phạt mới của khối liên quan tới xung đột Nga-Ukraine. Cụ thể các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ nhắm vào các công ty nước ngoài, thay vì các nước tìm cách lách các biện pháp trừng phạt Moscow hiện đã được ban hành. Lời kêu gọi của Đức được Italy ủng hộ.
Hiện phái bộ ngoại giao Đức tại EU không bình luận về các thông tin này.