📞

Tình hình Ukraine: Tổng thống Nga nói về vụ vỡ đập, ông Zelensky bị ‘sốc’ vì hành động này?

Minh Vương 07:44 | 08/06/2023
Ukraine thành lập quân đoàn mới, Mỹ lo ngại về tác động của quan hệ Nga-Trung tới xung đột là một số diễn biến mới nhất về tình hình Ukraine.
Vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại các khu vực lân cận của Ukraine. (Nguồn: TASS)

Ngày 7/6, trả lời phỏng vấn với báo WeltBild (Đức), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ mặc dù thảm hoạ đã xảy ra nhiều giờ nhưng “họ (LHQ) không hiện diện ở đó”, trong khi LHQ và Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) phải là những lực lượng đầu tiên có mặt để cứu người.

Ông Zelensky cho biết đã “bị sốc” khi đề nghị của Kiev không có hồi đáp và chỉ nhận được phản ứng “mang tính ngoại giao”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đưa ra chỉ trích hành vi của binh lính Nga sau vụ vỡ đập tại những khu vực do lực lượng này kiểm soát chiếm đóng ở Kherson. Ông cho rằng họ đã gây khó khăn trong nỗ lực đưa người dân ra ngoài để thoát khỏi vụ vỡ đập.

* Ngày 7/6, điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cuộc tấn công đập Kakhovka là “hành động man rợ dẫn đến một thảm họa nhân đạo và môi trường lớn”.

* Liên quan đến vụ vỡ đập Kakhovka, Chính phủ Đức khẳng định sự việc này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp vũ khí của Berlin cho Kiev. Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cũng cho biết hiện Berlin đang viện trợ máy lọc nước và nơi trú ẩn khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập nêu trên.

* Điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết các bên có thể thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra vụ vỡ đập.

Theo Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho rằng một phương thức đàm phán, tương tự như đã sử dụng để đạt thỏa thuận về hành lang vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen có thể được áp dụng để để giải quyết vấn đề đập Kakhovka.

* Trong khi đó, kênh Telegram “ukraine.ru” ngày 7/6 dẫn các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ Chỉ huy Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đang thành lập một quân đoàn lớn ở phía Bắc tỉnh Zaporizhzhia, chịu trách nhiệm đột phá từ hướng Orekhovsky về phía Melitopol. Từ lâu, thành phố cảng này đã được xem là một trong những mục tiêu tiềm tàng nhất cho kế hoạch phản công của VSU.

Ngoài ra, VSU có thể sử dụng ít nhất từ 100-150 xe tăng, 300 khẩu pháo và nhiều hệ thống tên lửa, từ 500-1.000 xe bọc thép các loại. Các bãi mìn sẽ được gỡ bỏ với sự trợ giúp của nhân lực và thiết bị. Mục tiêu chính của Bộ Chỉ huy là tạo ra một đầu cầu để VSU dự kiến triển khai cánh quân gồm ít nhất 50.000 binh sĩ.

Theo các nguồn tin, các đợt tấn công tương đối nhỏ và pháo kích liên tục bằng hệ thống pháo phản lực trước đó chỉ nhằm che đậy cho chiến dịch phản công chính.

* Ngày 7/6, trả lời câu hỏi của phóng viên châu Phi tại buổi họp báo trực tuyến sau chuyến công du khu vực này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bác bỏ khả năng “đóng băng xung đột. Ông nêu rõ: “Nếu bất cứ ai cho rằng nên đóng băng cuộc xung đột và sau đó xem xét cách giải quyết nó, thì họ chẳng có hiểu biết gì”.

Theo ông, hơn 100 vòng tham vấn và nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm 2014 chỉ dẫn đến cuộc xung đột toàn diện giữa 2 nước vào tháng 2/2022. Quan chức này nhận định một đề xuất như vậy đồng nghĩa rằng việc quân đội Nga sẽ ở lại trên lãnh thổ Ukraine ngay cả khi tiến trình bắt đầu.

Kiev từng hối thúc Moscow rút quân trước khi có thể khởi động đàm phán, trong khi Nga muốn Ukraine công nhận chủ quyền của mình đối với Bán đảo Crimea như một điều kiện tiên quyết.

Trong bối cảnh phái đoàn gồm các nguyên thủ quốc gia châu Phi dự kiến sẽ đến thăm Ukraine và Nga trong vài ngày tới, Ngoại trưởng Kuleba cho biết các bên liên quan vẫn chưa ấn định được thời gian thực hiện hoạt động này. Tuy không đưa ra thông tin chi tiết thêm về chuyến thăm trên, Ngoại trưởng Kuleba vẫn bày tỏ: “Chúng tôi rất mong được đón tiếp các vị tổng thống (châu Phi) ở Kiev”.

Hiện ngoại trưởng Ukraine đã có chuyến công du châu Phi để thu hút sự ủng hộ từ khu vực này. Ông ca ngợi: “Những gì chúng tôi chứng kiến trong mối quan hệ giữa hai bên ngay bây giờ có thể gọi là thời Phục hưng Ukraine-châu Phi”.

* Về phần mình, ngày 7/6, phát biểu tại tại một sự kiện ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) với sự tham gia của ông Gunnar Wiegand - nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề châu Á, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell nhấn mạnh Mỹ coi Nga-Trung về vấn đề Ukraine là “đáng lo ngại”. Đồng thời, ông mong muốn Bắc Kinh đóng vai trò ngoại giao một cách có trách nhiệm hơn.

(theo AFP/Reuters/TTXVN)