📞

Tình hình Ukraine: Tổng thống Nga ra lệnh siết biên giới; Mỹ đánh giá xung đột, lo hệ quả từ viện trợ Kiev

Bảo Minh 07:33 | 01/03/2023
Ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị cho Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) nước này kiểm soát đặc biệt biên giới với Ukraine và dựng rào chắn ở đó.
Lực lượng Nga khai hỏa vào phía Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ. (Nguồn: AP)

Động thái này nhằm đối với những kẻ phá hoại và vận chuyển trái phép vũ khí, đạn dược vào nước Nga.

Trong cuộc họp với các lãnh đạo FSB, ông Putin đã đặt ra cho cơ quan này nhiệm vụ xác định và ngăn chặn hoạt động của những cá nhân đang cố chia rẽ xã hội Nga với sự trợ giúp của chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít mới.

Nhà lãnh đạo lưu ý rằng, phương Tây sử dụng những kẻ cực đoan vì lợi ích của họ và FSB cần giám sát liên tục cơ sở hạ tầng quan trọng, những nơi công cộng có đông người, doanh nghiệp của các tổ hợp công nghiệp-quân sự và nhiên liệu-năng lượng.

Liên quan tình hình Ukraine, cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl đã mô tả tiền tuyến như một "sự mài mòn" và không thể dự đoán quỹ đạo của cuộc xung đột, có thể "kết thúc sau 6 tháng, hoặc có thể trong 2-3 năm".

Phát biểu tại một phiên điều trần của Hạ viện Mỹ, ông Kahl nói rõ: "Một phần nhỏ lãnh thổ Ukraine có thể sẽ đổi chủ trong những tuần và tháng tới. Nhưng tôi nghĩ rằng không có bất cứ điều gì cho thấy Nga có thể tràn qua và giành được những phần lãnh thổ đáng kể, ở bất cứ thời điểm nào trong năm tới hoặc xa hơn".

Trong khi đó, cũng tại phiên điều trần này, Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Storch cho biết, Washington nhận được thông tin về việc lạm dụng viện trợ quân sự cho Kiev.

Đề cập “đường dây nóng” của Lầu Năm Góc về vấn đề này, ông Storch nói: “Mục tiêu là để mọi người có cơ hội thông báo những gì họ cho là sai. Chúng tôi nhận được tất cả các loại cáo buộc và tiếp tục đánh giá chúng”.

Về phần mình, ông Kahl lưu ý rằng, Washington thừa nhận vấn đề tham nhũng ở Ukraine, song tin rằng vũ khí cung cấp được sử dụng “đúng mục đích” và không có bằng chứng nào cho thấy Kiev đang chuyển nó sang chợ đen.

Tuần trước, báo The Hill tính rằng, tổng số tiền Mỹ hỗ trợ Kiev từ tháng 1/2022-1/2023 lên tới 77,5 tỷ USD, trong đó, 29,3 tỷ USD là hỗ trợ quân sự trực tiếp kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Washington đã phân bổ thêm 45 tỷ USD cho quỹ khẩn cấp bổ sung để tăng cường "an ninh tổng thể, phục hồi kinh tế, an ninh năng lượng và khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra của Ukraine”.

1,9 tỷ USD khác được Mỹ dành cho hỗ trợ nhân đạo người tị nạn cả ở trong và ngoài quốc gia Đông Âu.

(theo TASS, Reuters)