Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về tình hình Ukraine ngày 26/2 tại Paris. (Nguồn: Reuters) |
AFP đưa tin, phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp với hơn 20 nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về Ukraine, ông Macron cho hay, các đồng minh của Ukraine đang thành lập liên minh thứ 9 để gửi tên lửa, bom tầm trung và tầm xa cho Kiev, song nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu là đạn dược".
Bên cạnh việc sử dụng tất cả kho dự trữ, các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng đang tìm kiếm "các quốc gia thứ ba có thể tham gia cung cấp các loại đạn pháo khác nhau, đồng thời sang các nước thứ ba để tìm ra những giải pháp mới về sản xuất và thu mua một số thành phần, đặc biệt là thuốc súng”.
Đáng chú ý, cho rằng lập trường của Nga đang "cứng rắn" cả trong nước lẫn trên tiền tuyến, Tổng thống Pháp tuyên bố, mặc dù "chưa có sự đồng thuận" về việc triển khai bộ binh của phương Tây tới Ukraine, nhưng "không nên loại trừ".
Nhà lãnh đạo khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này", bởi đây là "điều không thể thiếu đối với an ninh và ổn định ở châu Âu”.
Từ chối nói thêm về quan điểm của Paris, với lý do cần có "sự mơ hồ về mặt chiến lược", ông Macron nói rằng, vấn đề này đã được đề cập trong số các lựa chọn.
Trước đó, hôm 26/2, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho biết, một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc gửi binh sĩ tới Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận song phương.
Theo nhà lãnh đạo Slovakia, nếu tiến hành việc triển khai quân này sẽ "gây ra sự leo thang căng thẳng lớn".
Phản ứng về thông tin này, Trưởng phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) Konstantin Gavrilov khẳng định, Moscow đã nhiều lần cảnh báo các nước thành viên NATO về rủi ro khi quân đội phương Tây tham gia các trận chiến chống lại Các lực lượng vũ trang Nga.
Theo ông Gavrilov, hành động như vậy của phương Tây sẽ dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga, điều mà “cả Moscow và những người đóng thuế ở châu Âu đều không muốn”.
Lưu ý rằng Moscow chưa bao giờ cắt đứt các kênh đối thoại với NATO, mà là do liên minh này đơn phương thực hiện, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, Nga sẵn sàng xây dựng một hệ thống an ninh châu Âu trong đó không ai có thể khẳng định ưu thế quân sự.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin cho rằng, nếu các nước phương Tây cử lực lượng viễn chinh tới Ukraine sẽ có nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quy mô quốc tế.