📞

Tình hình Ukraine: Tướng Nga nêu thời điểm Kiev tiến hành đợt phản công thứ hai, Tổng thống Zelensky điện đàm Thủ tướng Đức Scholz

Minh Vương 07:21 | 04/07/2023
Lãnh đạo Đức và Ukraine điện đàm, Tướng NATO giải thích về tốc độ phản công của VSU… là một số tin tức đáng chú ý về tình hình Ukraine.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO nhận định về lý do khiến chiến dịch phản công của Ukraine bị chậm lại. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 3/7, trả lời phỏng vấn Sputnik (Nga), Thiếu tướng Leonid Reshetnikov, cựu quan chức của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), nhận định rằng, chiến dịch phản công của Ukraine nhiều khả năng sẽ bắt đầu khoảng 10 ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnus.

Theo ông, chính quyền Kiev cần một kết quả cụ thể để tìm kiếm thêm sự ủng hộ về tài chính và quân sự, đặc biệt là bảo đảm an ninh và tư cách thành viên NATO.

Quan chức này nêu rõ: “Trong bối cảnh có ngày càng ít lựa chọn, chính quyền Kiev không còn cách nào khác ngoài tiến lên. Giai đoạn tiếp theo sẽ chứng kiến Ukraine xem xét lại các chiến lược và chiến thuật trong đợt phản công, đồng thời huy động thêm các nguồn lực chưa được sử dụng”.

* Cùng ngày 3/7, tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự của khối đã nhận định về tốc độ cuộc phản công hiện nay của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU).

Ông nói: “Cuộc phản công này rất khó khăn. Đừng ai nghĩ rằng đây đơn giản là cuộc dạo chơi. Nó sẽ không bao giờ như vậy...".

Khẳng định VSU đã đúng khi thận trọng để tránh thương vong cao khi họ thăm dò khả năng đột phá phòng tuyến, vị tướng này cho rằng, Ukraine không nên bị chỉ trích vì không thể tiến quân nhanh hơn.

Đánh giá của ông Bauer có phần tương đồng với quan điểm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, người trước đó từng nhận định cuộc phản công của Kiev sẽ khó khăn và kéo dài.

* Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) Nga Ella Panfilova cho biết, không loại trừ khả năng bầu cử địa phương dự kiến diễn ra tại Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và một phần tỉnh Kherson vào tháng Chín tới sẽ bị hủy bỏ. Cuối năm ngoái, chính quyền Nga đã tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ này của Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp ở Điện Kremlin, bà Panfilova nói: “Vì tình hình thực sự khó khăn nên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu phát sinh những tình huống không lường trước – ở một số khu vực, tình hình có thể xấu đi nghiêm trọng – và chúng tôi thấy tồn tại nguy cơ nghiêm trọng đối với tính mạng và sức khỏe của người dân, chúng tôi có quyền hoãn các cuộc bầu cử này".

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông hiểu rõ đề xuất trên.

Trước đó, Nga dự kiến sẽ tổ chức bầu cử khu vực và thành phố ngày 10/9 để bầu ra 21 nhà lãnh đạo khu vực và 20 cơ quan lập pháp khu vực. Ngoài ra, còn có bốn cuộc bầu cử phụ cho ghế trong Quốc hội liên bang.

* Trong diễn biến khác, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết, nhà chức trách nước này đã buộc tội "phản quốc" đối với một cựu quan chức an ninh hàng đầu trong vụ án cho thấy rõ nỗ lực thanh lọc các gián điệp Nga nội bộ.

Theo đó, ông Oleh Kulinich, người đứng đầu chi nhánh Crimea của SBU, đã bị bắt tháng 7/2022 với cáo buộc tuyển dụng các điệp viên thân Nga khác theo yêu cầu của Moscow.

Các nhà điều tra cho biết, nhân vật này đang làm việc cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và được các cựu quan chức Ukraine khác, những người đã đào thoát sang Moscow, giám sát.

Các quan chức Ukraine cũng đang điều tra Andriy Naumov, cựu Giám đốc bộ phận an ninh nội bộ của SBU, người đã chạy sang Serbia năm ngoái trên một chiếc ô tô với nhiều tiền mặt và trang sức có giá trị.

* Cùng ngày, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Thủ tướng nước này Olaf Scholz đã có điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tại cuộc điện đàm, ông Zelensky đã cảm ơn Berlin về sự hỗ trợ quân sự cho Kiev, nhất là việc tăng cường hệ thống phòng không và pháo binh. Thủ tướng Đức nhắc lại “sự đoàn kết không ngừng và không thể phá vỡ” với Ukraine. Berlin, cùng với các đối tác châu Âu và quốc tế, sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, bao gồm lĩnh vực quân sự.

Ngoài ra, hai bên cũng kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc (sẽ hết hạn vào ngày 17/7 tới) dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần đe dọa huỷ bỏ thỏa thuận vì không đáp ứng được lợi ích của nước này.

(theo Reuters, Politico, Sputnik)