📞

Tinh thần đoàn kết trong IPU 132

10:59 | 01/04/2015
Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí tại Đại sứ quán Thụy Điển ngày 31/3, Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin cho biết ông rất hài lòng về công tác tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) của Việt Nam. Ông tin rằng Việt Nam có thể tổ chức các sự kiện ở cấp tương tự trong tương lai.
Chủ tịch Nghị viện Urban Ahlin và Đoàn công tác Thụy Điển làm việc với Bộ GTVT.

Ông nhấn mạnh tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia trong IPU -132 trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nhân dịp này, ông chia sẻ về mối quan hệ Thụy Điển – Việt Nam từ những kết nối trong lịch sử tới những triển vọng hợp tác trong hiện tại.

Năm lĩnh vực ưu tiên

Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin nhấn mạnh rằng Việt Nam và Thụy Điển có nhiều lý do lịch sử để tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao cũng như thương mại. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận Việt Nam và cũng là nước phương Tây đầu tiên mở Sứ quán tại Hà Nội năm 1969. Người tiền nhiệm của ông cách đây 20 năm và cũng là Chủ tịch Nghị viện đầu tiên của Thụy Điển đã đến thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Thụy Điển và Việt Nam cách xa nhau về mặt địa lý nhưng trong thời gian chiến tranh Việt Nam có nhiều thế hệ người Thụy Điển ủng hộ Việt Nam bằng tiền cá nhân của mình. Họ cũng đã đến Việt Nam thăm quan với tư cách là khách du lịch và mong muốn đến thăm những nơi họ từng nghe tên trong chiến tranh để có những hồi tưởng lại. Ông Urban Ahlin cho rằng kết nối không dễ dàng có được ấy cả hai nước chúng ta nên tận dụng để có thể hy vọng vào tương lai, tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là thương mại.

Trước đây, Thụy Điển là một trong những quốc gia giúp Việt Nam phục hồi kinh tế và cũng sẽ giúp Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới. Chủ tịch Nghị viện đề cập tới năm lĩnh vực hợp tác chính bao gồm: Cơ sở hạ tầng; phòng chống tham nhũng; giáo dục; các lĩnh vực liên quan đến cải cách tư pháp; an sinh xã hội.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông Urban Ahlin cho biết Thụy Điển có kinh nghiệm trong xây dựng đường xá, thiết kế phương tiện giao thông công cộng hàng đầu thế giới. Về phòng chống tham nhũng, Thụy Điển là một trong những nước có chỉ số minh bạch cao nhất thế giới mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi. Trong giáo dục, Thụy Điển có chất lượng giáo dục tốt, đã có nhiều học sinh Việt Nam đến Thụy Điển du học, đây cũng là cơ sở để hai bên có những hợp tác sâu hơn về lĩnh vực này. Đối với cải cách tư pháp thì mô hình tư pháp của Thụy Điển cũng được nhiều nước quan tâm và áp dụng dựa trên điều kiện thực tế của đất nước họ.

Chủ tịch Nghị viện đưa ra các đặc tính của nền chính trị đất nước bắc Âu này là minh bạch, cởi mở, tiếp cận thông tin, giúp Thụy Điển trở thành một trong những nước phát triển, giàu có, nền chính trị ổn định. Trong lĩnh vực an sinh xã hội thì Thụy Điển cũng là quốc gia đi đầu bởi đất nước có một hệ thống y tế, giáo dục tốt, áp dụng từ cấp mẫu giáo đi kèm với hệ thống bảo hiểm hiệu quả.

Thụy Điển cũng là một trong những nước thực hiện chống tham nhũng tốt nhất. “Với vai trò Nghị viện, chúng tôi có thể giám sát Chính phủ, kiểm tra các báo cáo của Chính phủ. Tất cả đều minh bạch, trong cả chi tiêu khi quan chức đi công tác. Ví dụ, người dân Thụy Điển có thể hỏi tôi về chi phí khách sạn, ăn uống, café khi tôi công tác tại Việt Nam và tôi phải công khai với họ. Ở Thụy Điển, các văn bản chính thức đều mang tính chất mở để người dân có thể dễ dàng tiếp cận”, Chủ tịch Urban Ahlin cho biết.

Thụy Điển có mô hình “thanh tra nhân dân” cho phép người dân có thể khiếu kiện khi họ cho rằng Chính phủ hành xử không chính xác hoặc có những điểm nghi ngờ. Các cơ quan “thanh tra nhân dân” khác nhau gắn với lĩnh vực khác nhau như tránh phân biệt đối xử; đảm bảo trẻ em được bảo vệ và đối xử công bằng… Quan trọng rằng các cơ quan này cần được trao quyền để thực hiện sứ mệnh của mình nếu nó tồn tại trên danh nghĩa thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Nhớ mãi IPU tại Việt Nam

Về cảm nhận của mình về IPU-132 tại Việt Nam, Chủ tịch Nghị viện Urban Ahlin cho rằng công tác tổ chức IPU-132 của Việt Nam rất tốt, tuyệt vời, các phái đoàn từ các nước đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu.

“Tôi tin Việt Nam có thể tổ chức các sự kiện lớn ở cấp tương tự trong tương lai, tôi cũng như các nghị sĩ đến từ các nước khác chắc đều cảm nhận được điều đó và nhớ mãi sự kiện IPU tại Việt Nam”, ông Urban Ahlin nói.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh tinh thần đoàn kết của các quốc gia trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu tại IPU 132. Các vấn đề chúng ta đưa lên bàn nghị sự IPU lần này như vấn đề chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh mạng và cả vấn đề phát triển bền vững đều ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các quốc gia trên thế giới gia. Vì vậy, hơn bao giờ hết các quốc gia phải hợp tác với nhau để cùng giải quyết những nguy cơ xuyên biên giới này.

Chủ tịch Nghị viện cho biết với vị thế là một quốc gia phát triển, Thụy Điển có thể giúp các quốc gia đang phát triển trong quá trình hội nhập. Thụy Điển có công nghệ hiện đại có thể chuyển giao cho các nước khác trong đó có Việt Nam, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí… Ông Urban Ahlin chia sẻ rằng: “Nếu các bạn đến thăm thủ đô Stockholm của chúng tôi thì các bạn có thể thấy một đô thị đông dân nhưng cho bạn cảm giác được về với thiên nhiên, về với rừng cây. Nhiều người bạn của tôi ấn tượng nhất với Stockholm không phải vì những địa điểm du lịch lớn mà bởi bầu không khí trong lành. Như vậy, chúng ta phải kết hợp phát triển với bảo vệ môi trường, chúng ta có thể làm già đi mọi thứ nhưng không thể hủy hoại môi trường vì một môi trường bị hủy hoại sẽ tác động trở lại chúng ta”.

Về hợp tác song phương Thụy Điển – Việt Nam, Chủ tịch Nghị viện cho biết một trong những ví dụ điển hình đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam là mô hình nhà máy biến áp ABB được xây dựng và vận hành tại Bắc Ninh với các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường, an toàn lao động. Tuy nhiên, một trong những lý do các sản phẩm của Thụy Điển chưa đến được với người dân Việt Nam là do giá thành cao. Nhưng ông đưa ra quan điểm là khi tiếp cận với hàng hóa thì mọi người nên quan tâm đến vòng đời của sản phẩm và có một tầm nhìn dài hạn. Hàng hóa của Thụy Điển có giá thành cao nhưng điều này đi kèm với chất lượng tốt.

Ông Urban Ahlin đánh giá cao quá trình hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ ký kết cuối năm nay. Ông cho rằng đây là một bước đi thông minh, phù hợp, khôn ngoan và đúng hướng của Việt Nam để có thể mở cửa, tự do hóa thương mại.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải hiểu rằng cạnh tranh là điều cần thiết trong những quốc gia áp dụng chính sách tự do hóa thương mại. Hội nhập kinh tế đồng nghĩa với việc các bạn đã sẵn sàng ra biển lớn để cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh toàn cầu khắc nghiệt”. Do đó, Việt Nam phải phát triển hệ thống giáo dục tốt, đúng tiêu chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không nên cạnh tranh dựa trên nền tảng nguồn lao động giá rẻ.

Chung Hằng