Trong một nghiên cứu trên diện rộng, tiến hành với 2/3 dân số Mỹ, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng gần chục căn bệnh ung thư mà béo phì được cho là một nhân tố nguy cơ rõ rệt đã trở nên thường gặp hơn ở phụ nữ và đàn ông dưới 50 tuổi.
Nghiên cứu trên được đăng trên tờ nhật báo y tế The Lancet, theo đó tuổi càng trẻ thì các căn bệnh ung thư này càng phát triển nhanh hơn.
Trong quãng thời gian nghiên cứu từ năm 1995-2015, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tụy đã tăng khoảng 1%/năm ở người lớn từ 45-49 tuổi, trong khi con số này ở độ tuổi 30-34 là hơn gấp đôi, và ở độ tuổi 25-29 thì mức tăng lên tới 4,4%/năm. Đối với các bệnh ung thư khác cũng liên quan đến béo phì, tỷ lệ mắc cũng tăng cao nhất ở độ tuổi 25-29, so với độ tuổi 25-80: cụ thể ung thư thận tăng 6,23%, ung thư mật tăng 3,71%, ung thư tử cung tăng 3,35% và ung thư ruột kết tăng 2,41%.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, nhà khoa học Ahmedin Jemal thuộc Hội Ung thư Mỹ, cho biết: "Các phát hiện của chúng tôi cho thấy một sự thay đổi gần đây có thể là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng các bệnh ung thư có liên quan đến béo phì ở người lớn tuổi". Số người mắc béo phì ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong 4 thập kỷ qua.