Nhỏ Bình thường Lớn

Tô đậm tình hữu nghị Việt – Trung

Việt Nam và Trung Quốc chung nhau 1.400 km đường biên giới và có vùng biển tiếp giáp nhau, tương đồng về thể chế chính trị, văn hóa xã hội, bổ sung lẫn nhau về kinh tế. Sự phát triển của mỗi nước đều là cơ hội cho nước kia và hai nước có nhiều lợi ích chung. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã chia sẻ về quan hệ đặc biệt này trong bài viết dành riêng cho TG&VN.
TIN LIÊN QUAN
to dam tinh huu nghi viet trung Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc
to dam tinh huu nghi viet trung Việt, Trung thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” từ ngày 11-15/5/2017.

to dam tinh huu nghi viet trung
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề APEC 2016 tại Peru.

Làm sâu sắc thêm quan hệ

Chuyến thăm là sự tiếp nối quan trọng của các hoạt động trao đổi đoàn giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước và là một trong những chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trong năm 2017.

Trong thời gian thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến nhiều lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc, tham dự nhiều hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”, gặp gỡ nhiều nguyên thủ và người đứng đầu các nước tham dự Diễn đàn. Cũng trong thời gian này, hai bên tổ chức Tọa đàm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2017 với sự tham dự của gần 500 đại diện doanh nghiệp hai nước. Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước và Phu nhân sẽ đi thăm tỉnh Phúc Kiến.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua không ngừng được tăng cường, củng cố và có những bước phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực. Điểm nổi bật nhất trong quan hệ hai Đảng, hai nước gần đây là Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên. Trong năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, lần đầu tiên Tổng Bí thư hai Đảng đã cùng trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau trong cùng một năm. Tháng 9/2016, sau thành công của Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm Trung Quốc. Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang thăm Việt Nam tháng 11/2016. Đầu năm 2017, ngay trước dịp kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và Tết cổ truyền của hai dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc hết sức thành công.

Các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước vừa qua đã có vai trò định hướng quan trọng đối với quan hệ hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, nhất trí về những phương hướng lớn và nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược không ngừng được củng cố và phát triển.

Với chương trình chuyến thăm hết sức khẩn trương, phong phú và thiết thực, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả hai bên và sự đón tiếp chu đáo của nước chủ nhà với nhiều nghi lễ đặc biệt, tôi tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng củng cố hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

to dam tinh huu nghi viet trung

Tôi tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng củng cố hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Đặng Minh Khôi

Thúc đẩy kết nối chiến lược

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” cùng với các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 29 nước và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Chủ tịch Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Bên lề hội nghị, nhiều lãnh đạo các nước đã bày tỏ mong muốn được gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hiện nay các hoạt động này đang được thu xếp qua đường ngoại giao.

Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần này là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng của Trung Quốc trong năm 2017 nhằm triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc đưa ra từ năm 2013. Phía Trung Quốc cam kết  sáng kiến “Vành đai và Con đường” được triển khai trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và theo nguyên tắc “cùng bàn, cùng làm, cùng hưởng”, không nhằm thay thế các cơ chế và sáng kiến hợp tác sẵn có trong khu vực mà trên nền tảng sẵn có, thúc đẩy sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các nước trong quá trình phát triển và thúc đẩy hợp tác “cùng thắng” giữa các nước.

Là nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống và là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Trung Quốc, với đường lối đối ngoại rộng mở, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, hoan nghênh và ủng hộ các sáng kiến hợp tác quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần này. Đồng thời, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhất trí cần tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ “Hai hành lang Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Hợp tác - dòng chảy chính

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có tình hữu nghị truyền thống lâu đời, mặc dù trong lịch sử quan hệ giữa hai nước có những lúc thăng trầm nhưng hợp tác và hữu nghị luôn là dòng chảy chính.

Trong những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được tăng cường, củng cố và đạt được nhiều tiến triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức phong phú và có vai trò hết sức quan trọng định hướng quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các cơ chế trao đổi, giao lưu và hợp tác không ngừng được hoàn thiện và bổ sung như Cơ chế gặp gỡ cấp cao hai Đảng, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và gần 50 cơ chế hợp tác do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì bao trùm tất cả các lĩnh vực tài chính tiền tệ, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học, kỹ thuật, giao lưu nhân dân...

Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ chính trị giữa hai nước, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và người dân, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước trong thời gian qua có những bước phát triển đáng khích lệ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương từ mức 9,9 tỷ USD năm 2006 đã tăng gần 10 lần vào năm 2016, đạt 72 tỷ USD theo số liệu của Việt Nam hay 98 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc. Trung Quốc liên tục trong 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Trung Quốc. Năm 2016, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gần đây cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD và trong quý I năm 2017 đạt 684 triệu USD, đứng thứ 2 và chiếm 23,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu giữa các địa phương, giữa các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ cũng không ngừng được mở rộng và làm sâu sắc hơn. Hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân dân hết sức thiết thực và phong phú như Liên hoan thanh niên Việt-Trung và Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung. Các tỉnh, khu biên giới hai nước cũng triển khai nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị và hợp tác. Hiện nay, Việt Nam có hơn 10.000 sinh viên theo học tại Trung Quốc và Trung Quốc cũng có hơn 3.000 sinh viên theo học tại Việt Nam.

Trung Quốc hiện là thị trường có khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất, năm 2015 có khoảng 1,8 triệu và năm 2016 có 2,8 triệu lượt người Trung Quốc sang Việt Nam và xu thế này tiếp tục tăng trong năm 2017 và ngược lại. Việt Nam giờ đây đã đứng đầu ASEAN về số khách sang Trung Quốc, đạt gần 2 triệu lượt năm 2016. Hợp tác hàng không tăng trưởng nhanh chóng. Có khoảng gần 300 chuyến bay hàng tuần của các hãng hàng không hai nước nối nhiều địa phương Việt Nam với hơn 30 thành phố Trung Quốc.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong việc quản lý đường biên giới trên bộ, thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ, tăng cường hợp tác về xây dựng, quản lý và mở cửa các cửa khẩu biên giới, áp dụng nhiều biện pháp thông quan thuận lợi, hợp tác chặt chẽ trong việc duy trì và bảo vệ an ninh, ổn định ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị.

Đồng thời, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi thẳng thắn, thường xuyên về các vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên chấp nhận được; thực hiện toàn diện và đầy đủ “Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông” (DOC), cùng ASEAN sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngày nay, cả hai nước đều đang ở trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Sự phát triển của mỗi nước đều là cơ hội cho nước kia và hai nước có nhiều lợi ích chung. Tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

to dam tinh huu nghi viet trung Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Phủ Tổng thống Madagascar

Chiều 8/5 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Bộ trưởng Phủ Tổng thống Madagascar phụ trách Nông ...

to dam tinh huu nghi viet trung Chủ tịch nước thăm Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Nhân dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2561, Dương lịch 2017, ngày 4/5, tại chùa Viên Minh (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà ...

to dam tinh huu nghi viet trung Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand

Sáng 25/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully đang thăm chính ...

Đặng Minh Khôi Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc