Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Nga. |
Đón tiếp Chủ tịch nước có Phó Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại Viễn Đông, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp tỉnh Pri-mô-rie và Hiệu trưởng trường Đại học quốc gia Hàng hải và Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Pri-mô-rie.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự buổi tọa đàm này cũng như tình cảm tốt đẹp mà các bạn Nga dành cho đất nước và con người Việt Nam.
Bên cạnh việc tham dự các hoạt động của tuần lễ cấp cao APEC, một trong những mục đích chính lần này của Chủ tịch nước và đoàn Đại biểu Việt Nam thăm Liên bang Nga lần này là tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam va vùng Viễn Đông, Nga. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga và được Lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm, thúc đẩy. Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga vào tháng 7 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi và nhất trí nhiều phương hướng nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
Với vị trí địa lý giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông gần gũi chính là điều kiện to lớn để hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên kết quả đạt được cho đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2011 chỉ đạt xấp xỉ 100 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2012 là khoảng 36 triệu USD và cho đến nay chưa có dự án lớn nào của Việt Nam vào vùng Viễn Đông và ngược lại.
Trong khi đó Việt Nam và vùng Viễn Đông có rất nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực, cả thương mại lẫn đầu tư. Việt Nam sẵn sang và có đủ khả năng cung cấp cho thị trường Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng nhiều mặt hàng có chất lượng cao, giá cả phù hợp như may mặc, đồ gia dụng, điện tử ,nông sản…Về phần mình, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh nhập khẩu nhiểu sản phẩm thế mạnh của vùng Viễn Đông, đặc biệt là nguyên nhiên liệu.
Về đầu tư, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc Nga tích cực triển khai chiến lược phát triển vùng Viễn Đông đến năm 2025 do Tổng thống Pu-tin khởi xướng và mong muốn được tham gia đầu tư, phát triển vùng Viễn Đông. Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu đề xuất của phía Nga về thành lập các lien doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, thủy, hải sản, đồ gỗ, may mặc, khai khoáng… Với kinh nghiệm và lợi thế của mình, Việt Nam có thể bổ sung cho Nga trong việc khai thác tối đa tiềm năng của vùng Viễn Đông.
Sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế toàn diện, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phat triển năng động, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định liên tục trong nhiều năm và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nga. Ngoài những thành quả đã đạt được, Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế với trọng tâm cải cách khu vực công, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác kinh tế công-tư, hoàn thiện hệ thống và môi trường pháp lý, thể chế kinh tế thị trường với mong muốn tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh và làm ăn tại Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh. Trong quá trình phát triển đổi mới đó, Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt đến việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Liên bang Nga, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp Nga nói chung và doanh nghiệp vùng Viễn Đông nói riêng hợp tác, làm ăn với Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường mở rộng hợp tác với vùng Viễn Đông, Nga.
Quang Hòa (từ Vla-đi-vô-xtốc)