📞

Tọa đàm 'Làm sâu sắc hợp tác Mekong-Lan Thương' tại Quảng Châu, Trung Quốc

Chu An 11:56 | 08/04/2022
Trong khuôn khổ Tuần lễ Mekong-Lan Thương 2022, ngày 7/4, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông và Đại học Trung Sơn phối hợp tổ chức Tọa đàm “Làm sâu sắc hợp tác Mekong-Lan Thương”.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, thay mặt Tổng lãnh sự quán các nước lưu vực Mekong-Lan Thương tại Quảng Châu, trên tinh thần nội dung phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 6 (tháng 6/2021), Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao việc Quảng Đông tổ chức Tuần lễ Mekong-Lan Thương, tạo không gian hợp tác và cơ hội giao lưu rộng lớn, đặc biệt trong bối cảnh mới kiểm soát đại dịch Covid-19.

Tổng lãnh sự đánh giá cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương 6 năm qua kể từ khi thành lập và phát triển đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có hơn 500 dự án hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, vệ sinh y tế và văn hóa giáo dục.

Việt Nam trân trọng và nỗ lực đóng góp vào hợp tác Mekong-Lan Thương kể từ những ngày đầu thành lập và đề xuất 4 nhóm hợp tác chính hiện nay đó là: Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống dịch Covid-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong phòng dịch Covid-19; Tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thông quang nhanh chóng, dễ dàng giữa các quốc gia; Phát huy hợp tác, tư vấn chính sách trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, triển khai các dự án hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, hỗ trợ cứu nạn…; Phát huy hợp tác giữa cơ chế Mekong-Lan Thương và ASEAN với các tổ chức, khu vực và tiểu vùng khác.

Tổng lãnh sự Vũ Việt Anh cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng năm 2021, Việt Nam đã thay thế Đức trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc với tổng kim ngạch hai chiều lên tới 230 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020 (theo số liệu thống kê của Trung Quốc).

Nhằm tăng cường hợp tác bình đẳng cùng có lợi, Tổng lãnh sự quán kiến nghị các quốc gia lưu vực tăng cường cập nhật thông tin về cơ chế Mekong-Lan Thương, kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương giữa các địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các bên trong cơ chế.

Ở cấp độ chính phủ, các nước cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc minh bạch thủ tục hành chính, hải quan, kết nối doanh nghiệp B2B, số hóa thương mại…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Thay mặt cho chính quyền tỉnh Quảng Đông, bà Tiền Hồng Khiết, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ bày tỏ vui mừng trước sự phát triển và gặt hái hiệu quả thực chất của cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương trong 6 năm qua, chứng minh cơ chế này ngày càng chín muồi, ổn định, có cơ sở tốt đẹp và tiềm năng to lớn, lan tỏa tính nhân văn, bao dung và cởi mở như “nước Châu Giang (con sông chính của Quảng Đông) hòa nhập vào dòng sông Mekong-Lan Thương”.

Tọa đàm có sự tham dự của 4 Tổng lãnh sự các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan tại Quảng Châu cùng hơn 100 lãnh đạo, học giả, chuyên gia đến từ các bộ, ngành, trường học, viện nghiên cứu của Trung Quốc và các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.

(theo TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)