Một trong những giá đồng tiêu biểu được diễn xướng tại buổi Tọa đàm và Giao lưu. (Ảnh: MH) |
Tham dự sự kiện gồm các đại diện đến từ Văn phòng Chính Phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn Hóa, Thế thao & Du lịch, cùng đông đảo đại biểu khách mời và các thanh đồng (những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu).
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã nêu bật mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với tín ngưỡng tôn giáo khác, đặc biệt là Phật giáo, Đạo giáo, cũng như cung cấp nhiều thông tin về mối giao thoa mật thiết giữa đạo với văn hóa bản địa, sự sáng tạo của tài tình của dân gian.
Nhiều tham luận đặc biệt thu hút sự quan tâm của các đại biểu như: “Suy nghĩ về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay của PGS.TS. Trần Lâm Biền; “Quan hệ giao lưu giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo của người Việt qua tư liệu Hán Nôm” của PGS.TS Đinh Khắc Thuận, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; “Liễu Hạnh xây chùa - Tự sự từ văn bia chùa Giám” của TS. Phạm Văn Tuấn; “Những biểu hiện của quan hệ giao lưu tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo, Đạo giáo ở hai trung tâm thờ Mẫu Nam Định” của Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư và tham luận về “Chính sách pháp luật, thực hành hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” của tác giả Nguyễn Đăng Bản, Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Quang cảnh buổi Tọa đàm và Giao lưu. (Ảnh: MH) |
Buổi tọa đàm đã góp phần, bảo tồn những nét đẹp truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá Việt. Qua đó, những người quan tâm tới tín ngưỡng thờ tam phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, có cái nhìn rộng hơn, khách quan, hệ thống hơn; định vị được tín ngưỡng thờ Mẫu trong tổng hòa với các tín ngưỡng, tôn giáo khác.
Bà Hạnh Nigita, một Việt kiều Nhật Bản có mặt tại buổi tọa đàm chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh. Qua đó tôi đã hiểu rõ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu và thấy được bức tranh về Mẫu rõ nét trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt”.