📞

Tỏa sáng theo giá 'vàng đen', cổ phiếu dầu khí đang bứt phá

Việt An 09:59 | 05/04/2021
Giá dầu hồi phục mạnh mẽ đang tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí, đồng thời tạo động lực cho cổ phiếu ngành này tỏa sáng.
Cổ phiếu dầu khí đang tỏa sáng theo giá dầu. (Nguồn: Vietnambiz)

Cổ phiếu dầu khí bứt phá

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, giá dầu cao hơn sẽ tác động lớn đến các cổ phiếu ngành dầu khí.

VNDIRECT tin rằng, đà tăng của giá dầu có khả năng thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, mang lại những cơ hội việc làm tiềm năng cho các công ty phía thượng nguồn, như Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PVDrilling (PVD), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (mã chứng khoán: PVS).

Bên cạnh đó, một số công ty phía trung nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS (mã chứng khoán: GAS) vì giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới.

Thực tế, nhờ giá dầu diễn biến tích cực, các doanh nghiệp dầu khí đạt được kết quả kinh doanh rất khả quan. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR).

Trong quý I/2021, tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp đạt khoảng 1,56 triệu tấn, vượt 2,9 % kế hoạch quý; doanh thu gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.803 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.245 tỷ đồng. Tất cả các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, sản phẩm đều vượt so với kế hoạch.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn Bùi Minh Tiến cho biết, có được kết quả này là nhờ nhu cầu thị trường trong nước có dấu hiệu cải thiện do dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát. Nhu cầu nhận dầu diesel đang cao và nhu cầu xăng ở mức khá. Nhu cầu tiêu thụ xăng máy bay Jet A1 có cải thiện hơn so với đợt bùng phát dịch Covid-19 cuối tháng 1/2021.

Bên cạnh đó, giá dầu trong những tháng qua đã tăng giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nhiều thuận lợi hơn. Đầu tháng 3/2021, giá dầu Brent có thời điểm tăng đến mốc gần 70 USD/thùng.

Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lãnh đạo PV GAS cũng cho biết, nhờ vào việc giá dầu và giá LPG (khí hóa lỏng) biến động và tăng so với kế hoạch và việc triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PV GAS đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính.

Cụ thể quý I/2021, doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 17.845 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế là 2.234 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch quý.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với xu hướng tăng giá dầu, hàng loạt mã cổ phiếu ngành dầu khí cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết phiên 2/4, PVS tăng hơn 25,5%, PVD tăng hơn 33,2%, BSR tăng tới 74,5%, OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP tăng gần 20%.

Giá "vàng đen" đang hồi phục mạnh

Giá dầu Brent đã giảm 3,9% trong cả tháng Ba, nhưng tăng 22,6% tính chung cả quý I/2021. Đà tăng trong quý I/2021 của giá dầu chủ yếu là nhờ tâm lý lạc quan về sự phục hồi trong nhu cầu sau khi vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng.

Thị trường dầu cũng được tiếp sức sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỷ USD để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Trong phiên giao dịch ngày 1/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (từ 29/3 - 1/4) do thị trường đóng cửa nghỉ lễ thánh Thứ Sáu tốt lành (Good Friday), giá dầu thế giới tăng hơn 2 USD bất chấp thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng với các nước đồng minh (OPEC+) đã đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5/2021.

OPEC+ đã nhất trí sẽ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5/2021, và thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng Sáu và lên 400.000 thùng/ngày vào khoảng tháng Bảy.

Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4, từ tháng 5/2021 tới, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày. Trước đó, OPEC+ đang thực hiện cắt giảm 7 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

Tại cuộc họp ngày 1/4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự kiến, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng khoảng 5-5,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021. Ông Novak hy vọng, lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sẽ trở lại mức bình thường trong hai đến ba tháng tới.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tồn trữ dầu thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện và nguồn cung được thắt chặt và sẽ giữ ổn định từ quý II/2021 sau khi các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng trở lại, bắt kịp nhu cầu tiêu thụ thế giới. Cơ quan này dự báo tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng dần trong năm 2021 và chạm ngưỡng trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), giá dầu Brent hồi phục sẽ cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó, triển vọng hồi phục nền kinh tế cải thiện nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải.

Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ, khí mỏ trong nước thúc đẩy nhu cầu đầu tư các dự án thăm dò, khai thác, và phát triển các mỏ mới, BSC cho biết, sản lượng dầu thô giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Nguyên nhân là do sự suy giảm sản lượng các mỏ dầu khai thác lâu năm như các mỏ thuộc bể Cửu Long-chiếm khoảng 80% tổng sản lượng.

Bên cạnh đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác và phát triển mỏ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thỏa thuận, nguồn vốn. Trong cùng giai đoạn, sản lượng dầu thô nhập khẩu đã tăng bình quân 156%/năm.

Sản lượng khí các mỏ khu vực Đông Nam Bộ giảm 5%-20%/năm, đặc biệt là các mỏ lớn đã khai thác trên 10 năm như mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Lan Tây-Lan Đỏ. Các mỏ khí này được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm bình quân 10%-20%/năm trong tương lai theo quy luật khai thác tự nhiên.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2015-2019. Cùng đó, sản lượng tiêu thụ khí đốt hóa lỏng cũng tăng trưởng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn này.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lên nền kinh tếViệt Nam, hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thông vận tải. Điều này đã khiến tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam giảm xuống mức 2,9%/năm và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt sụt giảm lần lượt 1,2% và 4,3% so với năm 2019.

Tuy nhiên, nền kinh tế đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

BSC kỳ vọng, từ năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu và khí đốt sẽ quay lại mức tăng trưởng bình ổn lần lượt là 3%/năm và 10,5%/năm nhờ dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế trong nước hồi phục.

Các nhà máy điện khí là khách hàng tiêu thụ chính của khí tự nhiên (khoảng 80% tổng sản lượng). Trong khi đó, theo dự thảo Quy hoạch Điện 8, tổng công suất lắp đặt được dự báo đạt mức 138.000 MW vào năm 2030, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020; trong đó, tỷ trọng đóng góp của nhiệt điện khí sẽ tăng từ mức 12% (năm 2020) lên mức 19% (năm 2030). Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên cho sản xuất điện được dự báo tăng bình quân 14%/năm trong giai đoạn này.

Theo phương án cung khí cho sản xuất điện cơ sở, tới năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 5,4 tỷ m3 khí/năm do suy kiệt các mỏ khí lâu năm.

Có thể nhận thấy, doanh nghiệp ngành dầu khí đang đứng trước cơ hội tăng trưởng nhờ giá dầu khí hồi phục mạnh, tiêu thụ xăng dầu, khí đốt cũng tăng cao để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, vận tải, trong khi sản lượng khai thác đang suy giảm. Đặc biệt, lĩnh vực điện khí đang có nhu cầu cao và nguồn cung từ các mỏ khí trong nước không đủ đáp ứng.

Để giải bài toán cung cầu, các chuyên gia từ BSC đánh giá, LNG nhập khẩu sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho nhu cầu năng lượng dài hạn. Trong giai đoạn 2021-2030, tỷ trọng LNG nhập khẩu trong cơ cấu nguồn phát điện dự kiến sẽ tăng dần từ 0% lên 8,5%.

(theo TTXVN)