📞

Toàn bộ dầu Trung Quốc mua của Nga được trả bằng Nhân dân tệ, Bắc Kinh ngày càng 'ruồng bỏ' USD?

Linh Chi 06:00 | 12/05/2023
Hãng tin Reuters tiết lộ, Trung Quốc đã sử dụng đồng tiền riêng của mình-đồng Nhân dân tệ-để thanh toán gần như toàn bộ lượng dầu mua của Nga trong năm 2022.
Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nhân dân tệ là lựa chọn hàng đầu của Nga. (Nguồn: Bloomberg)

Reuters dẫn lời một giám đốc điều hành giấu tên cho biết: “Tất cả các giao dịch bán dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc hiện được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, kể từ khi Mỹ và đồng minh áp giá trần lên dầu của Moscow. Mức trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga đã khiến các ngân hàng xử lý các khoản thanh toán bằng đồng bạc xanh trở nên cực kỳ phức tạp".

Mặc dù Reuters không nêu rõ tỷ lệ hàng nhập khẩu mà Trung Quốc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, nhưng năm 2022, tổng số tiền thanh toán trên Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới-phiên bản hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT của Trung Quốc-đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng chính trị giá 88 tỷ USD, bao gồm dầu thô và dầu nhiên liệu từ Nga, tăng 52% về giá trị so với năm 2021.

Phần lớn giao dịch này được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chống Nga đang được áp đặt.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã gây ra làn sóng trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu đối với Moscow.

Hai quyết định mạnh mẽ nhất đó là phương Tây đóng băng gần một nửa (300 tỷ USD) dự trữ ngoại tệ của Nga và loại bỏ các ngân hàng lớn của đất nước này khỏi hệ thống SWIFT. Điều này khiến các giao dịch với Nga trở nên khó khăn.

Theo Insider, trong nhiều năm, Trung Quốc và Nga đã rời xa đồng USD.

Nga bắt đầu cắt giảm phụ thuộc vào đồng USD kể từ năm 2014. Đến năm 2018, khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung bằng cách bán trái phiếu Kho bạc Mỹ nắm giữ, bắt đầu giao dịch bằng đồng Ruble và các loại tiền tệ khác.

Thậm chí, cả Nga và Trung Quốc còn thiết lập các hệ thống hoạt động như một sự thay thế cho SWIFT.

Trung Quốc ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) vào năm 2015. Đây được coi là đối thủ cạnh tranh của mạng SWIFT.

Hay tại Nga, Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) đã nhanh chóng mở rộng kể từ sau chiến dịch quân sự.

Đến thời điểm hiện tại, Nhân dân tệ là lựa chọn hàng đầu của Nga.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các công ty Nga đã chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ và phát hành trái phiếu bằng đồng tiền Trung Quốc trị giá hơn 7 tỷ USD vào năm ngoái.

Vào tháng 3/2023, đồng Nhân dân tệ vượt qua đồng USD để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất cho các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc.

Về phía Nga, Bộ Tài chính nước này cho biết, đồng Nhân dân tệ đang “đóng một vai trò ngày càng quan trọng” trong quỹ đầu tư quốc gia. Quỹ này đã tăng gấp đôi tỷ lệ Nhân dân tệ mà quỹ có thể nắm giữ vào tháng 12/2022.

Bộ Tài chính Nga bắt đầu bán đồng Nhân dân tệ vào tháng 1/2023 để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng lớn. Theo dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Nga, tỷ lệ xuất khẩu của đất nước được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng lên 14% vào tháng 9/2022. Con số này tăng từ mức 0,4% trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu.

Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây thúc đẩy các quốc gia khác như Brazil và Pháp kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tranh luận về phi USD hóa.

Tuy nhiên, ông Jennifer Sor của tờ Insider nhận định: "Sự thống trị của đồng USD sẽ không sớm phai nhạt bởi vì vị thế của nó quá mạnh".

Còn theo GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ), hệ thống CIPS của Trung Quốc vẫn chưa được các quốc gia khác áp dụng rộng rãi. Thay vào đó, các ngân hàng Nga và Trung Quốc dựa vào mạng lưới các chi nhánh địa phương và ngân hàng đại lý để xử lý các giao dịch mà không cần SWIFT.

(theo Insider)