Toàn cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ qua ảnh
Tin/ảnh: Tuấn Anh
12:45 | 05/08/2021
Sáng 5/8, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis.
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-6/8 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis đặc biệt ý nghĩa khi không chỉ diễn ra vào đúng dịp Quốc khánh Thụy Sỹ lần thứ 730 (1/8/1291), mà còn đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (11/10/1971).
Trong chặng đường 50 năm qua, Việt Nam và Thụy Sỹ đã dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển tích cực trên mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos.
Đặc biệt, Việt Nam và Thụy Sỹ duy trì hợp tác hiệu quả, ủng hỗ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Trong ảnh: Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis ghi sổ lưu niệm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hai nước đã có thỏa thuận ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, đáng chú ý là ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Thụy Sỹ nhiệm kỳ 2023-2024).
Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam ủng hộ Thụy Sỹ trở thành đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN từ năm 2016. Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp tích cực trong khuôn khổ hợp tác ASEM.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cùng với sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, hợp tác kinh tế song phương đã tiến triển mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức khoảng 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gấp gần 1,5 đến 2 lần xuất khẩu.
Đặc biệt năm 2019, kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển vượt bậc, đạt 2,28 tỷ USD, do Thụy Sỹ nhập khẩu đột biến mặt hàng vàng và kim loại quý từ Việt Nam.
Năm tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 364,78 triệu USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 77,22 triệu USD giảm 48,3%; nhập khẩu đạt 287,56 triệu USD tăng 17,46% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong lĩnh vực đầu tư, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sỹ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012 và được kỳ vọng có thể hoàn tất trong năm nay.
Tại cuộc họp báo, hai bên bày tỏ tin tưởng vào cơ hội hợp tác rộng mở trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/8, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Cassis dự kiến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, gặp xã giao Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và chủ trì tiệc chiêu đãi kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ và 730 năm ngày Quốc khánh Thụy Sỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giới thiệu Tòa nhà lịch sử hiện là Trụ sở của Bộ Ngoại giao Việt Nam với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ.
Năm 2021 là dịp đặc biệt ý nghĩa để hai nước vui mừng kỷ niệm hành trình nửa thế kỷ của một mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt.
Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".