📞

Toàn cảnh hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024

Anh Sơn 12:54 | 04/05/2024
Từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm 2024 và một số hoạt động tại Pháp.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm 2024 và một số hoạt động tại Pháp.

Sáng ngày 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Trung tâm Hội nghị OECD tại Paris, Pháp, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024.

Ngay khi đến Trung tâm Hội nghị OECD, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn Chính phủ Lào cử đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới (7/5/2024); khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; đề nghị Lào phối hợp trong thúc đẩy quan hệ OECD - ASEAN và Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD.

Nhất trí với những đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Saleumxay Kommasith đề nghị Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới tại Lào.

Tiếp sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước trong khu vực Balkan, trong đó Croatia là một trong những đối tác ưu tiên.

Bộ trưởng Gordan Grlic Radman ủng hộ đẩy mạnh quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác liên Nghị viện; nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc hai bên thúc đẩy thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước về hợp tác kinh tế; đàm phán và ký Hiệp định về hợp tác giáo dục, lao động.

Cũng trong sáng 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Litva Simonas Satunas.

Bộ trưởng đề nghị Litva đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam, thúc đẩy các nước thành viên EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Thứ trưởng Simonas Satunas bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua và nhất trí xem xét khả năng thành lập các cơ chế hợp tác song phương về kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như: năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...

Đúng 11h30 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm 2024 do Nhật Bản chủ trì, có chủ đề “Cùng kiến tạo thay đổi: Dẫn đầu thảo luận toàn cầu với cách tiếp cận khách quan và đáng tin cậy vì mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm”.

Đây là hội nghị quan trọng nhất của OECD trong năm 2024 với sự tham gia của Bộ trưởng các nước thành viên OECD và một số nước khách mời.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025. Lễ kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP là một trong những điểm nhấn trong chương trình Hội nghị năm nay.

Hội nghị đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024. Theo đó, OECD nhận định kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi tích cực song tăng trưởng ở mức khiêm tốn (duy trì mức 3,1% năm 2024, tương đương 2023 và tăng 3,2% năm 2025).

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận những biện pháp nhằm kiến tạo một nền kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm, thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu tự do, công bằng, củng cố các nền tảng kinh tế vững chắc, tự cường, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, tuần hoàn và thuận lợi cho thiên nhiên, đẩy mạnh ứng dụng AI, phối hợp quản trị dữ liệu toàn cầu…

Chúc mừng Argentina và Indonesia bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập OECD, các nước đánh giá cao chính sách mở rộng thành viên của OECD với việc kết nạp các nước đang phát triển trong những năm qua, giúp thực hiện tốt hơn sứ mệnh của OECD ở phạm vi toàn cầu.

Tham dự Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có 2 bài phát biểu quan trọng tại: Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP và Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị.

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao tầm nhìn của Nhật Bản khi khởi xướng thành lập Chương trình SEARP.

Qua 10 năm, Chương trình SEARP trở thành chương trình khu vực thành công nhất của OECD với nhiều thành quả nổi bật trong đó có việc Indonesia và Thái Lan xin gia nhập OECD.

Bộ trưởng đề nghị, trong 10 năm tới, Chương trình SEARP cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối để các nước Đông Nam Á tham gia sâu hơn và thực chất hơn nữa vào quá trình quản trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, hợp tác thuế, AI…, trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy quá trình cải cách để hướng tới các nền kinh tế có tiêu chuẩn quản trị cao, thân thiện với môi trường và hài hoà về xã hội.

Trong ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh chung.

Tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị với chủ đề “Hướng đến một nền kinh tế và xã hội bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ định hướng và tư duy phát triển của Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển.

Bộ trưởng đề xuất OECD đi đầu trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với nhiều bạn bè quốc tế đến từ 38 nền kinh tế từ khắp nơi trên thế giới.
Đầu giờ chiều ngày 2/5, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chuyển lời và thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn OECDđã mời Việt Nam tham dự Hội nghị MCM cũng như ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong vai trò đồng Chủ trì Chương trình Đông Nam Á (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025. Bộ trưởng đề nghị OECD phối hợp cùng Việt Nam tập trung triển khai hai trọng tâm hợp tác quan trọng.

Đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với Chương trình SEARP, ông Mathias Cormann khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam-OECD; cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các Ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển phù hợp.

Cũng trong chiều 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Morocco Nadia Fettah Alaoui.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Morocco; bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển về kinh tế, xã hội của Morocco thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp sản xuất xe hơi. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời Bộ trưởng Morocco sang thăm chính thức Việt Nam.

Bộ trưởng Nadia Fettah Alaoui nhất trí cùng thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch, tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, tích cực tham gia các triển lãm, trưng bày quốc tế tại mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Cuối giờ chiều 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Peru Javier Gonzalez Olaechea.

Trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương thời gian tới, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru (1994 - 2024).

Hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ Liên hợp quốc, OECD, APEC, CPTTP… đóng góp cho thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2024 do Peru đăng cai tổ chức vào tháng 11/2024.

Hai Bộ trưởng mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đồng thời cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ kinh tế.

Sáng ngày 3/5, tại Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tới thăm trụ sở Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và có cuộc gặp với Tổng thư ký Louise Mushikiwabo.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Pháp vào tháng 10/2024; mong muốn Hội nghị lần này sẽ mang lại những kết quả thiết thực, tạo ra động lực mới cho hợp tác Pháp ngữ trong thời gian tới.

OIF nhất trí ủng hộ đề nghị của Việt Nam về việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác ba bên trong không gian Pháp ngữ trên các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, giáo dục; cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển và lan tỏa tiếng Pháp, hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và cán bộ của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đa phương; sẵn sàng tiếp nhận cán bộ Việt Nam vào làm việc tại Ban thư ký Pháp ngữ (OIF).

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), ngày 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ trong công viên Montreau và gặp mặt đại diện cộng đồng, sinh viên, hội hữu nghị và bạn bè Pháp.

Bộ trưởng bày tỏ cảm kích khi đến thăm thành phố Montreuil và trước nghĩa cử của chính quyền và những người bạn của thành phố trong việc lưu giữ những tài liệu và kỷ vật quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil.

Phó Thị trưởng Philippe Lamarche chào mừng Bộ trưởng đến thăm thành phố, đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, minh chứng cho tình hữu nghị gắn bó mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước.

Sau buổi lễ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã thăm Không gian Hồ Chí Minh trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử sống, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật và tư liệu về Người và ghi sổ lưu niệm của bảo tàng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu nghe Giáo sư Sử học Alain Ruscio giới thiệu về các ấn phẩm của Pháp về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng quà lưu niệm cho ông Eric Lafon, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nghe họa sĩ gốc Romania giới thiệu bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên “Theo dấu chân Bác” lần đầu tiên được ra mắt công chúng.
Chiều ngày 3/5, tại trụ sở OECD, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Đồng Bộ trưởng Thương mại và Sản xuất Australia Tim Ayres.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên sớm hoàn thiện xây dựng Chương trình Hành động triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia, tạo cơ sở vững chắc để hai nước tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, lao động… và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ ODA về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Tim Ayres đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD (2022-2025); khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ mạnh mẽ với OECD; nhất trí việc thực hiện các dự án thuộc Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và OECD (MOU), tranh thủ nguồn lực của OECD phục vụ việc xây dựng, triển khai các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Cũng trong chiều 3/5, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản quan tâm đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mới như sản xuất chất bán dẫn, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Nhật Bản trong khu vực; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giao lưu Nhân dân, hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong ngành bán dẫn; tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Bà Bộ trưởng bày tỏ mong muốn thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam và Đông Nam Á; ủng hộ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các Ủy ban của OECD; nhất trí tiếp tục triển khai các dự án hợp tác kinh tế ở Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nghề. Bộ trưởng Nhật Bản nhất trí cùng thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước; khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới.

Có thể khẳng định, chuyến công tác của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD năm 2024 thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á nói chung cũng như hợp tác giữa OECD và Việt Nam nói riêng ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc song phương và đa phương một số đối tác, trưởng đoàn các nước dự Hội nghị, hoạt động của Bộ trưởng tại Pháp đã góp phần tăng cường và tạo nhiều cơ hội để quan hệ Việt Nam với các đối tác phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới…