Nhỏ Bình thường Lớn

Toàn cầu náo loạn vì đảo Cyprus

Trên trang nhất của hàng loạt tờ báo phương Tây ngày 18/3 đều đưa tin về kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Chính phủ Cyprus như một sự kiện nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến tình hình tài chính ngân hàng cũng như thị trường vốn của hàng loạt quốc gia trực tiếp và gián tiếp liên quan.
Người dân nhiều nước lo lắng trước quyết định đánh thuế tiền gửi của chính phủ Cộng hòa Cyprus.

Ngày 16/3, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu và Giám đốc IMF đã đi đến một thỏa thuận "vô tiền khoáng hậu" về việc buộc những người gửi tiền tại các ngân hàng của Cộng hòa Cyprus phải chia sẻ chi phí gói giải cứu mới nhất từ Eurozone nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Theo đó, để được nhận gói cứu trợ trị giá 10 tỷ EUR những người gửi tiền trên hệ thống Ngân hàng Cyprus trên 100.000 EUR sẽ bị yêu cầu áp thuế 9,9% và mức thuế 6,7% đối với những khoản tiền gửi dưới 100.000 EUR bắt đầu từ 19/3.

Tác dụng ngược từ đánh thuế tiết kiệm

Không chỉ đổ xuống đường phản đối yêu cầu, ngày 17/3, sau khi thông tin được ban bố, người dân Cyprus đã ồ ạt tới ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Mặc dù, theo lời Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades thì người dân sẽ được đền bù bằng cổ phiếu ngân hàng. Hậu quả là chỉ trong vài giờ, các ngân hàng nước này bị cạn tiền, một số buộc phải đóng cửa và tạm ngừng giao dịch. Hai ngân hàng lớn nhất quốc đảo đứng trên bờ vực phá sản. Theo ước tính ban đầu, nếu thực hiện chính sách này, 2/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Cyprus sẽ "bay" ra nước ngoài.

Hãng tin Reuters sáng nay dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc đánh thuế tiết kiệm là một hành động "bất công, nghiệp dư và nguy hiểm". Phát ngôn viên Quốc hội và là lãnh đạo của đảng Xã hội EDEK -Yiannakis cho rằng, đây là một quyết định "cướp tiền của người gửi, chống lại mọi luật pháp cả thành văn cũng như bất thành văn".

Số liệu của Moody's cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, các ngân hàng của Cyprus đang giữ khoảng 19 tỷ USD của giới thượng lưu Nga.

Trước phản ứng dữ dội trên, Cộng hòa Cyprus đang tính cơ cấu lại các mức đánh thuế vào tiền gửi, miễn là thu cho đủ 5,8 tỷ EUR theo yêu cầu nhận cứu trợ từ EU.

Khủng hoảng mới ở châu Âu

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cảnh báo, động thái này sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực đến không chỉ người gửi tiền mà còn với cả hệ thống các ngân hàng châu Âu. Giới đầu tư lo ngại, đây sẽ là một tiền lệ xấu cho Eurozone. Theo Mark Bayley - Chiến lược gia tại Công ty tư vấn Aquasia, việc này đã tạo ra một "tiền lệ nguy hiểm" và "đánh bẫy người gửi tiền. Nỗi sợ hãi sẽ lan ra khắp giới đầu tư và khuyến khích những người gửi tiền tại các nước "cùng cảnh ngộ" ở châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha chuyển tài sản sang nơi khác an toàn hơn, như Đức hay thậm chí là “đặt dưới gối".

David Kotok - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, gọi đây là một quyết định "điên rồ" khó có thể hiểu nổi. Không một người nhạy cảm nào có thể tiếp tục cất giấu tiền của họ trong một hệ thống ngân hàng giữ lại 10% số tiền của họ mà không hề thông báo trước. "Châu Âu đã tự bắn vào chân mình", ông ví von.

Trong khi đó, gói cứu trợ dành cho đảo Cyprus đã làm dấy lên những lo ngại mới về sự ổn định của khu vực Eurozone. Một lần nữa người ta lại phải hoài nghi về triển vọng của đồng Euro (EUR). Người ta dự đoán, bất chấp sự đảm bảo từ phía các nhà hoạch định chính sách, EUR sẽ rơi xuống mức 1,25 EUR/USD trong quý III.

Richard Yetsenga - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Ngân hàng ANZ khuyến cáo, nhà đầu tư toàn cầu nên bán ra EUR và để mắt đến lợi suất trái phiếu của các nước ngoại vi Eurozone. Đây sẽ là những tín hiệu đầu tiên báo hiệu khủng hoảng đang đến.

Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa

Sau một thời gian tươi đẹp, TTCK toàn cầu có một phiên náo loạn, bởi phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư. Diễn biến từ đảo Cyprus khiến người ta không khỏi lo lắng một cuộc khủng hoảng mới sẽ nổ ra ở Eurozone. Nỗi lo lắng ấy ngay lập tức được phản ánh trên thị trường chứng khoán toàn cầu. EUR giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm rơi xuống mức âm trong khi chi phí đi vay của Tây Ban Nha và Italy tăng vọt.

Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến những phiên giao dịch tệ nhất trong vòng 8 tháng qua. Chỉ số tại các sàn đua nhau "rớt thảm", khiến vốn hóa thị trường mất khoảng 180 tỷ USD, tương đương 7 lần GDP của Cyprus. Cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn lớn như Toyota, Nissan, Esprit Holdings... đi xuống trong ngày 18/3.

Angus Gluskie - Giám đốc của White Fund Management cho rằng: "Tác động tài chính từ gói hỗ trợ đối với Cyprus không đáng kể, nhưng thị trường đang có phản ứng tiêu cực chỉ vì người ta đang tìm một lý do để bán ra."

Minh Anh