Toan tính của Nga ‘giải mã’ cách chống lưng cho đồng Ruble trước 'cuồng phong' kinh tế. (Nguồn: AFP) |
Nói như vậy, không có nghĩa đồng nội tệ Nga đang đứng ngoài mọi biến cố bất lợi trong nền kinh tế, bước sang năm 2023, đồng Ruble đã yếu đi.
'Lái' cấu trúc NWF theo tiêu chuẩn mới
Theo trang RIA Novosti, Thứ trưởng Tài chính Nga Vladimir Kolychev cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính nước này sẽ triệt tiêu đồng Euro trong Quỹ tài sản quốc gia (NWF), chỉ giữ lại vàng, Ruble và NDT. Đồng thời, sẽ dần đưa cấu trúc của NWF phù hợp với các tiêu chuẩn mới.
Ngoài ra, để đảm bảo tính linh hoạt của đầu tư, quy định mới cho phép tỷ lệ tối thiểu thực tế của nhiều đồng tiền thuộc Quỹ tài sản quốc gia Nga bằng 0. Trong khi, quy định giới hạn trên của phần tài sản đầu tư tiềm năng, trong đó, giới hạn tối đa đầu tư bằng NDT và vàng đã tăng gấp đôi, tương ứng là 60% và 40%.
Theo thông tin, số dư tài khoản đồng bảng Anh và đồng Yen của Quỹ tài sản quốc gia Nga trong tài khoản Ngân hàng Trung ương Nga hiện đã bằng 0. Từ góc độ này, chỉ là vấn đề thời gian, trước khi đến lượt đồng Euro có lượng tích trữ bằng 0.
Nga đã bỏ dần đồng USD và đồng Euro trong dự trữ ngoại hối, chuyển sang ủng hộ vàng và đồng NDT. Đây là một cách làm bình thường, ngân hàng trung ương các nước luôn nắm giữ đồng tiền của quốc gia có nhiều giao dịch nhất. Kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, địa vị của đồng NDT ở Nga đã dần tăng lên.
Tờ Izvestia của Nga có bài viết nhận định, khối lượng giao dịch NDT ngày càng tăng ở Nga đã có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành tỷ giá hối đoái của đồng Ruble, việc tăng khối lượng giao dịch và tỷ lệ thanh toán của đồng NDT sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Ruble và cải thiện môi trường đầu tư kinh tế của Nga.
Tất nhiên, rủi ro kinh tế của Nga cũng đang tăng lên. Tháng 12/2022, đồng Ruble đã giảm gần 10% so với đồng USD. Sự yếu đi này bắt nguồn từ những lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ do EU áp đặt và mức giá trần do G7 đặt ra sẽ làm giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Cùng với sự phục hồi dần dần của hàng nhập khẩu vào Nga, thâm hụt ngân sách sẽ tăng thêm.
Tháng 1/2023, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga giảm còn 8 tỷ USD, giảm 58,1% so với cùng kỳ tháng 1/2022, chủ yếu liên quan đến doanh thu xuất khẩu hàng hóa sụt giảm. Điều này cũng có nghĩa là doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm đáng kể, áp lực tài chính của Nga trong thời gian tới sẽ tăng lên, sự ổn định tỷ giá hối đoái cũng sẽ đứng trước thách thức.
Tuy nhiên, ngoài áp lực lạm phát, trong Sắc lệnh của tổng thống cuối năm 2022, Nga cũng đã cho phép sử dụng ngoại tệ để thanh toán khí đốt. Kể từ đầu năm đến nay, lợi suất trái phiếu chính phủ Nga đã tăng lên đáng kể, đồng Ruble của Nga một lần nữa có xu hướng mất giá.
Yếu tố nào “nâng đỡ” đồng Ruble?
Nền kinh tế Nga đã chứng minh khả năng phục hồi một cách bất ngờ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây trong năm 2022, nhưng việc quay trở lại mức "thịnh vượng" trước căng thẳng có thể còn xa vì rất nhiều lý do.
Áp lực lạm phát của nền kinh tế Nga tăng lên là nguyên nhân chính khiến đồng Ruble giảm giá. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đã tăng 11,8% trong tháng 1/2023, gần gấp 3 lần mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga.
Vật giá luôn biến động trên khắp nước Nga trong 1 năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, Nga đã trải qua một thời kỳ lạm phát, sau đó là một vài tháng giảm phát khi Nga áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và đẩy đồng Ruble tăng giá.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Nga đã bị ảnh hưởng một lần nữa do doanh số bán dầu và khí đốt sụt giảm. Đồng Ruble đã giảm hơn 15% kể từ tháng 12/2022, khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga.
Dù vậy, đồng Ruble vẫn duy trì được sức mạnh. Sau khi xung đột nổ ra, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cường độ tăng dần, đồng Ruble mất giá mạnh, tỷ giá hối đoái so với đồng USD gần như giảm một nửa. Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán đồng Ruble sẽ tiếp tục suy yếu.
Tuy nhiên, thực tế thật đáng ngạc nhiên. Đồng Ruble liên tục phục hồi từ tháng 3/2022 và trở lại mức trước xung đột vào cuối tháng 4/2022. Đến cuối tháng 6/2022, đồng Ruble thậm chí còn tăng giá khoảng 40% so với mức trước xung đột, cao nhất kể từ năm 2015 và duy trì tương đối ổn định kể từ đó. Dù hiện tại có giảm, nhưng tính chung đến cuối năm 2022, đồng Ruble vẫn tăng giá khoảng 7%.
Trong phiên 27/2, đồng Ruble của Nga phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 10 tháng so với USD, khi các nhà giao dịch quay trở lại thị trường sau các kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận, Ruble đã tăng 0,7% so với USD lên 75,58 Ruble/USD và tăng 0,6% lên 79,86 Ruble/Euro. Như vậy, chỉ hơn một năm sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, đồng Ruble đã trở lại mức trước khi xung đột bắt đầu xảy ra. Tại sao như vậy?
Thứ nhất, điều này liên quan đến việc Nga tăng lãi suất mạnh. Cuối tháng 2/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%, đồng thời lãi suất tiền gửi và cho vay theo định hướng thị trường cũng tăng mạnh.
Thứ hai, liên quan đến các biện pháp kiểm soát và quản lý vốn của Nga, chẳng hạn như các biện pháp thanh toán ngoại hối bắt buộc.
Tổng thống Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh Tổng thống số 79, yêu cầu từ tháng 1/2022, các nhà xuất khẩu Nga phải bán 80% thu nhập ngoại hối, từ tháng 3/2022, cấm cung cấp các giao dịch liên quan đến ngoại hối hoặc ký gửi ngoại hối tại các cơ sở ở nước ngoài.
Đến cuối tháng 5/2022, tỷ lệ thanh toán ngoại hối bắt buộc sẽ giảm từ 80% xuống 50%. Hoạt động kiểm soát vốn của Nga đã giúp hạn chế dòng vốn, giảm áp lực bán đồng Ruble của Nga và giảm bớt áp lực mất giá đối với đồng Ruble.
Thứ ba, liên quan đến lệnh thanh toán bằng đồng Ruble của Nga, đây là yếu tố quan trọng nhất. Tổng thống Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh Tổng thống số 172 vào cuối tháng 3/2022, yêu cầu từ tháng 4/2022, Nga phải thanh toán bằng đồng Ruble khi vận chuyển khí đốt tự nhiên đến các quốc gia hoặc khu vực không thân thiện và thiết lập các tài khoản đặc biệt cho các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, các biện pháp trừng phạt của châu Âu có hiệu lực tương đối muộn vào năm 2022, do đó châu Âu vẫn mua được một lượng lớn các sản phẩm năng lượng, điều này làm tăng nhu cầu đối với đồng Ruble của Nga. Bởi vậy, Ruble đã đảo chiều mạnh xu hướng mất giá trước đó.
Ngoài ra, sau khi vấp phải rủi ro có thể bị loại khỏi hệ thống thông tin tài chính SWIFT từ năm 2014, Nga đã sớm thực hiện một số biện pháp phòng thủ, điều này cũng góp phần ổn định tỷ giá hối đoái. Ví dụ, Nga tiếp tục tăng dự trữ vàng trong khi giảm tài sản tại Mỹ.
Kể từ tháng 6/2021, tỷ lệ tài sản ngoại hối và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ đã giảm đáng kể từ 27,2% vào tháng 6/2017 xuống còn 6,6%. Đồng thời, Nga cũng đẩy nhanh việc phi USD diễn ra mạnh mẽ.
Tính đến năm 2020, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga thanh toán bằng USD đã giảm từ khoảng 80% trước đó xuống chỉ còn hơn 50%.
Đến tháng 6/2021, tỷ lệ tài sản ngoại hối và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga được tính bằng USD đã giảm từ 40% vào tháng 6/2017 xuống dưới 20%.
Đánh giá về sự ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 12/2022 cho thấy, trong bối cảnh phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ các khoản thanh toán trên thị trường Nga bằng đồng USD trong quý II và quý III/2022 đã giảm từ 52% xuống 34% và đồng Euro giảm từ 35% xuống 19%.
Và có một điểm mới là, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ (NDT) đã tiệm cận với tỷ trọng của đồng Euro, tăng từ 0,4% lên 14% trong tháng 4-9/2022. Trong thời gian này, đồng Ruble chiếm 32,4%. Tỷ trọng khối lượng giao dịch của đồng NDT trên các sàn giao dịch đã tăng từ 3% trong tháng 3/2022 lên 33% vào tháng 11/2022.