Nhỏ Bình thường Lớn

Tội phạm ma túy vị thành niên: Vấn đề nhức nhối của nhân loại

Từ nhiều thế kỷ nay, ma túy đã trở thành vấn đề gây nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không một quốc gia nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp do tệ nạn ma túy gây ra.
Công tác tuyên truyền và giáo dục phòng chống ma túy cần phải được đẩy mạnh và được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.
Công tác tuyên truyền và giáo dục phòng chống ma túy cần phải được đẩy mạnh và được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. (Nguồn: Báo Dân sinh)

Báo động thực trạng sử dụng ma túy

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “ma túy là bất kỳ một dạng chất nào, khi đưa vào cơ thể làm thay đổi trạng thái ý thức và hành vi như là kết quả tác động của chất đó lên hoạt động của não”.

Từ định nghĩa này có thể hiểu ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, chất hướng thần được được đưa vào cơ thể con người qua đường tiêm, chích, hút, hít, nhai, nuốt… Các chất này khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức hoặc hành vi của người đó. Nếu lạm dụng ma túy, con người sẽ lệ thuộc vào nó. Một số loại ma túy thường gặp như thuốc phiện, morphine, heroin, cần sa, ma tuý tổng hợp.

Theo ước tính của Cơ quan phòng chống kiểm soát ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), thế giới hiện nay có khoảng 275 triệu người nghiện, sử dụng ma túy trong đó 164 triệu người sử dụng cần sa, 37 triệu người nghiện và sử dụng ma túy tổng hợp; 18 triệu người nghiện và sử dụng heroin; 17 triệu người nghiện ma sử dụng cocain, số còn lại nghiện và sử dụng các loại ma túy khác.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính đến tháng 6/2020, cả nước có 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng. Tuy nhiên, số người thực tế có thể cao hơn gấp 3-4 lần và có ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

Số liệu thống kê năm 2019 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB và XH) cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy/nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.

Đáng lưu ý, trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, trong đó có khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và khoảng 50% là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với mỗi quốc gia

Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa chung của cả nhân loại. Không một quốc gia nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp của nó và tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút hay buôn bán ma túy gây ra. Không chỉ gây hại đối với bản thân người sử dụng và gia đình của họ, ma túy còn để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có kinh tế, an ninh và con người.

Hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch.

Bên cạnh đó, ma túy còn là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước; gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội như lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...; là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc...).

Không những thế, ma túy làm ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc; làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội; tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại. Nó còn là nguồn gốc, là điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS (một hiểm hoạ toàn cầu chưa có thuốc chữa...Hiện nay nước ta có khoảng 130.000 người nhiễm HIV/AIDS thì 75% là do tiêm chích ma tuý.

Ngoài ra, ma túy có thể làm suy yếu giống nòi. Nguyên nhân là do các chất ma tuý ảnh hưởng đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gen độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống. Những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ bị nghiện ma túy sức khỏe kém, dặt dẹo…

Hệ lụy do ma túy mang lại vẫn đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình khi con cái phải sống cảnh không cha, không mẹ, vợ xa chồng, cha mẹ già không có người chăm sóc.

Tăng cường giáo dục phòng chống ma túy

Theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm sử dụng ma túy ngày càng tăng cao. Chỉ riêng năm 2018, Việt Nam đã khởi tố hơn 23.000 bị can (tăng 26% so với 2017), trong đó lứa tuổi chưa thành niên có tới 2.300 vụ với trên 3.500 nam và 100 nữ. Đến 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã bắt 12.280 vụ với trên 19.500 đối tượng phạm tội ma túy.

Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy của Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp. Người nghiện ma túy của Việt Nam luôn tiếp tục gia tăng (trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm tăng từ 5 - 10%) chưa có xu hướng giảm.

Trong khi đó, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện khó khăn, xã hội chưa đủ các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền và giáo dục phòng chống ma túy cần phải được đẩy mạnh và được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.

Thắt chặt việc quản lý để giảm thiểu tối đa những tác hại mà ma túy gây ra, đặc biệt là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta cần quyết ngăn chặn, bài trừ tận gốc tệ nạn ma tuý ra khỏi cuộc sống đem lại sự bình yên cho mọi nhà và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Vì tương lai của bản thân và gia đình, vì thế hệ mai sau, vì sự tồn vong của dân tộc, vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy”.

Thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt trong nhiều văn bản, chỉ thị, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy học đường bởi thế hệ thanh thiếu niên chính là tương lai của đất nước.

Năm 2021, Tháng Hành động phòng, chống ma túy có chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”. Đây là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt, Tháng Hành động lưu ý những nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

TIN LIÊN QUAN
Tác hại của ma túy đến nền kinh tế của các quốc gia
Nhức nhối tội phạm ma túy trên toàn thế giới
‘Vấn nạn’ ma túy đáng báo động trên toàn cầu
Indonesia triệt phá đường dây buôn ma túy quốc tế lớn
Bảo vệ quyền của người chưa thành niên vi phạm pháp luật