📞

Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài xuất phát từ tình cảm của nhân dân thế giới đối với Bác

17:04 | 25/02/2020
TGVN. Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài xuất phát từ tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới đối với Bác  và là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.

Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Lê Hoài Trung; các nhà khoa học xã hội, các nhà quản lý văn hóa...

Sự đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nghị quyết khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Nghị quyết cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại; kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Phó Thủ tướng chia sẻ, việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phó Thủ tướng chia sẻ, việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng - hạnh phúc.

Việc UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nhiều hình thức tôn vinh, công nhận rộng rãi khác của cộng đồng quốc tế đối với công lao, đóng góp của Bác mang lại sự tự hào to lớn đối với Đảng và nhân dân ta; đồng thời đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ rất lớn là làm sao để cho giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới, góp phần làm cho cộng đồng thế giới hiểu biết nhiều hơn đến đất nước Việt Nam anh hùng, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, yêu chuộng hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Phong phú các hoạt động tôn vinh

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, trong 10 năm qua, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp 5 châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Lê Hoài Trung chia sẻ với báo chí về ý nghĩa của các hoạt động tôn vinh Bác ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Anh)

Các hình thức tôn vinh Bác được triển khai đa dạng, phong phú cả ở góc độ vật thể và phi vật thể, bao gồm tổ chức mit tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo, qua đó nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và trí tuệ của Hồ Chí Minh dưới cả góc độ “Anh hùng Giải phóng dân tộc” và “Nhà Văn hóa kiệt xuất”.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện triển khai linh hoạt, thực chất việc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hướng tới đối tượng là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài, mở rộng đến các đối tượng kiều bào phù hợp.

Đến nay, 22 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi đã có 29 công trình tượng, tượng đài Bác, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác Hồ và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế.

Bộ Ngoại giao cũng đã xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng… tại những nơi Người đã từng sống và hoạt động. Tính đến nay, có 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài, trong đó có 8 công trình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, 3 công trình tại Pháp, Nga, Đức.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine tổ chức Hội thảo 'Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm ngôi trường mang tên Người tại Kyiv - Ukraine'.

“Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí của sở tại, điển hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào… cho thấy sự trân quý của nhân dân thế giới dành cho Bác nói riêng và Việt Nam nói chung”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói.

Các cơ quan đại diện cũng đã đặt bia, gắn biển đồng tại Singapore, Anh, Slovakia, Ấn Độ và Pháp… nhằm lưu lại những địa danh mà Bác Hồ đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua. Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác đã từng đi tới 56 quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc đặt tên trường học, lớp học mang tên "Hồ Chí Minh" cũng được thực hiện tại một số quốc gia như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico và Cuba. Hiện có 20 con đường, đại lộ mang tên Bác. Điều đặc biệt là mặc dù thời gian Bác tới thăm và lưu lại không lâu tại một số nước Bắc Phi nhưng đã để lại trong lòng người dân nơi đây sự ngưỡng mộ.

Công tác xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được quan tâm, trong đó có gần 40 cuốn sách của tác giả nước ngoài giới thiệu về tiểu sử Bác, bản Di chúc và sự nghiệp của Bác.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh Bác

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, các hoạt động tôn vinh Bác đã góp phần thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên ở nước ngoài để trong giao tiếp đối ngoại luôn thể hiện sự tự tin, văn hóa, chân thành đồng thời trong tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại luôn thể hiện tinh thần yêu dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Indonesia năm 1959. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Tôn vinh Bác nhằm đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tôn vinh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh của Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa, độc đáo; đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác và trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới; nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Việc tôn vinh Bác ở nước ngoài xuất phát từ tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới đối với Bác Hồ và là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, để các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là củng cố tính bền vững và bảo đảm sự lan tỏa rộng rãi của thành quả đạt được, phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn các đơn vị chức năng làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong quá trình thực hiện việc tôn vinh thời gian qua, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một kỷ vật quý giá của các chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo cho ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cần đánh giá kỹ tình hình, bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, từ đó xác định các nội dung của các hoạt động tôn vinh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Công tác triển khai tốt hơn các hoạt động tôn vinh trong tình hình mới, kể cả về chủ trương/chính sách, cũng như về các hoạt động cụ thể, trong đó cần chú trọng đến việc đổi mới từ cách làm, nội dung, sản phẩm, đổi mới các cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá để nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa và củng cố tính bền vững của các kết quả đạt được.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải xác định được nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các hoạt động tôn vinh; cần làm rõ lợi thế, thế mạnh của các kênh đối ngoại, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ và nguồn lực cần thiết nhằm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu dự Hội nghị “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. (Ảnh: Tuấn Anh)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)