📞

Tôn vinh, thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

CHU AN 21:00 | 18/05/2024
Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), ngành Ngoại giao tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa hơn nữa lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) là người sáng lập và đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Trong gần 80 năm qua, ngành ngoại giao luôn tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng đầu tiên, người sáng lập và đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Người đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam một di sản vô giá, đó là phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là tinh hoa của truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt nam kết hợp với những tinh hoa văn hóa nhân loại mà Người đã tiếp thu, học hỏi được trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, được kết tinh và nâng tầm bởi một bộ óc và nhân cách vĩ đại.

Kim chỉ nam hành động

Trong suốt chặng đường phát triển, phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam hành động của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, là chìa khóa triển khai thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Hòa bình, chính nghĩa và hòa hiếu trong ngoại giao Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục là ngọn cờ tập hợp đoàn kết của các lực lượng tiến bộ, dân chủ trên thế giới vì sự nghiệp đấu tranh chung.

Thực tế, trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã tiếp xúc với nhiều dân tộc, các nền văn minh. Kết tinh văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại đã mang đến cho Người một thế giới quan toàn diện, độc đáo.

Trước những đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, năm 1987, tổ chức UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nghị quyết là minh chứng hùng hồn khẳng định: sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam; sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Đây cũng là sự động viên, cổ vũ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam, để có được thành quả như ngày nay.

Cầu nối với thế giới

Cùng với cuộc đời hoạt động cách mạng vì sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc và đấu tranh cho hoà bình của thế giới, tiến bộ của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến 56 quốc gia trên thế giới.

Suốt hành trình đó, những nơi Người sinh sống, học tập, lao động và hoạt động cách mạng đã trở thành dấu ấn, địa danh lịch sử.

Đến nay, trên thế giới đã có 23 quốc gia dựng tượng, tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó có thể kể đến Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Myanmar, Nga, Pháp, Hungary, Anh, Áo, Cuba… Nhiều bia tưởng niệm, khu tưởng niệm, trường học, đại lộ, con đường trên thế giới mang tên Bác.

Đặc biệt, có cả những nơi Người chưa từng đặt chân đến như Chile, Mexico, Cộng hòa Dominica… Người dân ở những nơi này vẫn dành tình cảm yêu mến, kính trọng đối với Người, tự nguyện xây dựng các công trình tưởng nhớ và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu Việt Nam dự Lễ khánh thành tôn tạo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Santo Domingo, Cộng hoà Dominica, ngày 20/4. (Nguồn: Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao)

Tại đất nước xa xôi như Công hòa Dominica, các đảng phái chính trị, chính quyền, người dân đều yêu mến, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ tình cảm đó, nước bạn đã tiến hành cải tạo, chỉnh trang tổng thể Quảng trường Hồ Chí Minh, đặt thêm các bức tượng là danh nhân, anh hùng giải phóng của Cộng hòa Dominica và các danh nhân, nhà văn hóa nổi tiếng của khu vực và thế giới, tạo thành một địa chỉ trang nghiêm nhưng gần gũi với của người dân.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyến công tác liên ngành của Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, phía bạn đã tổ chức trang trọng buổi Lễ khánh thành tôn tạo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham dự của đông đảo chính khách, các đảng phái, ngoại giao đoàn và đông đảo người dân, trước thời điểm sinh nhật Bác.

Tổng thư ký Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU) Miguel Mejía và Thị trưởng Manuel Jiménez phát biểu bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là câu cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Điều thú vị là tại nơi đây, có một Đảng bộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô của Dominica. Trong buổi tiếp đoàn liên ngành, Bí thư Đảng bộ bày tỏ tự hào khi Đảng bộ của mình được mang tên một vĩ nhân của thế giới và các đảng viên nơi đây đang học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lan tỏa việc học và làm theo Bác

Thời gian qua, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã nỗ lực tìm tòi, phát huy trí tuệ tập thể trong đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở nước ngoài.

Cuốn sách song ngữ Việt - Anh "Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh". (Nguồn: NXB Chính trị quốc gia Sự thật)

Với mong muốn xây dựng và xuất bản cuốn sách ảnh ra nhiều ngôn ngữ nhằm mục đích lưu giữ, tuyên truyền, phổ biến tới nhiều đối tượng và độc giả trên thế giới cũng như làm quà tặng đối ngoại, Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan xuất bản cuốn sách song ngữ Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh (The World People’s Affection for President Ho Chi Minh) bằng tiếng Anh, Pháp, Czech, Thụy Điển và Tây Ban Nha.

Cuốn sách gồm ba phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà văn hoá kiệt xuất và Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sống mãi với thời gian. Trong mỗi phần của cuốn sách đều có dẫn luận và tư liệu ảnh, trích dẫn những cảm tưởng, thể hiện tình cảm, sự tôn vinh, kính trọng và ngưỡng mộ của các nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư liệu ảnh trong cuốn sách cũng được chọn lọc, tái hiện khái quát quá trình hoạt động của Người, minh chứng cho cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang, vĩ đại của vị Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất.

Kỷ niệm ngày sinh của Bác năm nay, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao đang tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về tư tưởng và đạo đức của Người.

Ngày 11/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại đây, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên, Thư ký Khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu những nội dung chính của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua những mẩu chuyện chân thực, cảm động về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Bác. Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể những bài học quý giá về phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, những kỷ niệm về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Myanmar năm 1958.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường và các đại biểu tham gia Tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh - Việt Nam”.

Dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh cũng phối hợp với Nhóm học giả Bangladesh nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh - Việt Nam” tại tỉnh Manikganj, khu vực Dhaka.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn; đại diện các hội đoàn nông dân cùng đông đảo bà con nông dân Bangladesh có tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam.

Tại tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ về những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử. Đại sứ khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị, là di sản vô giá của nhân dân Việt Nam, được Đảng và Nhà nước Việt Nam kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo trong mọi chủ trương, chính sách.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm đặc biệt dành cho đất nước, con người Việt Nam; một số học giả, đại diện hội đoàn nông dân Bangladesh đã gửi tặng Đại sứ những cuốn sách, bài thơ tự chắp bút ngợi ca Người, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Có thể thấy, những tình cảm cao quý này là niềm động viên lớn để các đơn vị trong Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, với cộng đồng quốc tế.