Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chính ủy các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan.
Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có quyết sách cụ thể, kịp thời, kích hoạt cơ chế phòng chống dịch lây lan và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sớm hơn và mức độ cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 làm việc tích cực, chủ động. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động, tích cực bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh, nòng cốt là ngành y tế cùng với các lực lượng quân đội, công an triển khai các biện pháp cụ thể.
Tin liên quan |
Thủ tướng Chính phủ: Xác định trạng thái bình thường mới khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 |
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 trên toàn quốc |
Tinh thần chung là chủ động đánh giá đúng tình hình, diễn biến của dịch bệnh, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với thực lực của đất nước.
Quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc;” huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên,” “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả,” “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.”
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng (ghi nhận 268 ca mắc, trong đó 223 ca đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp tử vong), thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, WHO…), nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông uy tín đánh giá Việt Nam là mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được đông đảo người dân ủng hộ.
Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường, các cơ quan báo chí chủ động, tích cực đưa thông tin tới người dân một cách công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng, chống dịch.
Các cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật, xử lý nghiêm các sai phạm. Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai trong phòng, chống Covid-19; nhiều tấm gương tận tụy, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch đã xuất hiện; nhiều cá nhân, doanh nghiệp đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực trong công tác phòng, chống dịch, thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng…
Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Điều này thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta.
Trong những lúc khó khăn, gai góc nhất, mỗi người dân Việt Nam thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, tô thắm truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta và bản lĩnh, ý chí, khí chất con người Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí cao với báo cáo đánh giá sâu sát tình hình và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đề xuất các giải pháp vĩ mô nhằm điều hành hiệu quả, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, sớm khắc phục những ảnh hưởng do đại dịch gây ra.
Các ý kiến đi sâu phân tích, do hội nhập quốc tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của thế giới còn hạn chế nên tác động của dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động...
Các ý kiến đồng tình cao với việc triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá toàn diện tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, từ đó có những bước đi phù hợp, lới lỏng từng phần cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, nếu không xử lý tốt việc này, dân sẽ khó khăn.
Có ý kiến cho rằng, qua thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, niềm tin trong Đảng, trong dân được củng cố, nhân lên sức mạnh chống đại dịch. Người dân tin Đảng, tin Chính phủ nhiều hơn.
Việt Nam trở thành tấm gương sáng về phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng hợp tác, sẻ chia với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó uy tín, vị thế được nâng cao.
Các ý kiến thống nhất cao về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, xử lý vướng mắc về lao động, đẩy mạnh thông tin truyền thông, chú trọng hơn thị trường trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu... yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết về an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm vi phạm.
Các ý kiến nhất trí cao việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu không chỉ nhằm ứng phó trong giai đoạn trước mắt, mà cần tính đến lâu dài trên cơ sở dự báo tình hình sắp tới, đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn.
Trong đó, nhấn mạnh cần tập trung sức mạnh, sự đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thành công nhiệm vụ "kép," vừa tập trung cao độ phòng chống dịch, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đời sống nhân dân và tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, việc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc nhằm báo cáo một số vấn đề, nội dung quan trọng, cần thiết để các đồng chí Trung ương, cán bộ chủ chốt các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến, chuẩn bị làm các bước tiếp theo.
Hội nghị đánh giá tổng quát tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, cho ý kiến về định hướng sắp tới. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn tiếp diễn, cần đánh giá quy mô, tính chất, tính nguy hại của nó; chủ trương, biện pháp, chỉ đạo thế nào, kết quả đạt được và hạn chế, dự báo sắp tới tình hình thế nào, phương hướng biện pháp ra sao.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của loài người, hệ lụy của nó với những dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh kết quả chúng ta làm được trong phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi là rất mừng, qua đây củng cố niềm tin trong dân, tăng thêm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, dân tin Đảng, tin chế độ, thể hiện qua nhiều bài thơ, bài hát đi vào lòng người.
Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, từ cụ già tới em nhỏ; dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết nhân ái, lá lành đùm lá rách, trong khó khăn càng thể hiện rõ tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Trong cuộc chiến chống đại dịch, không nên quá hốt hoảng đến mức không dám làm gì, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, cần phân tích làm rõ ưu điểm, hạn chế, dự báo tình hình không để bị động bất ngờ, đúng tinh thần chống dịch như chống giặc.
Tin liên quan |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị trực tuyến đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ về Covid-19 |
Năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng...
Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm, chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan trọng nhất là đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, làm sao lan tỏa tinh thần này tới các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước, tạo khí thế tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp.
Chuẩn bị nhân sự đại hội - Dưới có vững thì trên mới bền chắc
Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ công tác chuẩn bị đại hội có hai vấn đề quan trọng là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Công tác văn kiện rất quan trọng, nhưng công tác nhân sự phức tạp, khó hơn, nhạy cảm hơn, cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra định hướng để làm cho tốt, để chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập 4 nội dung công tác nhân sự, đó là vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; trách nhiệm của chúng ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ Đại hội các cấp, các ngành có tốt thì Đại hội toàn quốc mới tốt được. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, cơ cấu đẹp nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được,” đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước.
Từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Tin liên quan |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.
Trong quá trình lựa chọn phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu; phải bố trí đúng người đúng việc, tạo êkíp ăn ý, đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh.
Bởi vậy, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến 'hại nước hại dân.'
"Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chăn chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…"
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh, phải làm thật tốt công tác nhân sự, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và quân ta.
| Nhiều chính đảng đánh giá cao kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam TGVN. Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ra nhiều ảnh hưởng to lớn, trực tiếp tới toàn thế giới và ... |
| Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng TGVN. Sáng 3/2, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận ... |
| Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam TGVN. Sáng 3/2/2020, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ... |