📞

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo về kết quả Đại hội XIII

Kim Chung-Tuấn Anh 10:50 | 01/02/2021
TGVN. Sáng 1/2, ngay sau lễ bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo về kết quả Đại hội, tại Trung tâm Báo chí, Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo về kết quả Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đến dự họp báo còn có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương, đại diện báo chí trong nước và ngoài nước, các phóng viên nước ngoài đưa tin theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, cho đến giờ phút này có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, Đại hội đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn được gần hai ngày làm việc.

Nói về cảm nhận của cá nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ rất vui mừng, phấn khởi, đã dự nhiều Đại hội, nhưng đây là "Đại hội thành công nhất, cả về nội dung, hình thức, cách thức, lề lối làm việc, các văn kiện được thông qua".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, công tác Đại hội khó nhất là chuẩn bị văn kiện. Về các báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhìn lại cả một quá trình 35 năm đổi mới, cả quá trình phát triển của đất nước; Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế-Xã hội; Báo cáo về xây dựng, sửa đổi điều lệ Đảng...

“Công tác văn kiện làm suốt từ năm 2018, mấy năm trời sửa đi sửa lại 80 lần, lấy ý kiến của các cấp các ngành, lần đầu tiên đăng toàn văn trên báo chí, tổng hợp ý kiến các đại hội các cấp, sau đó bổ sung hoàn thiện văn kiện và có báo cáo tổng hợp chung về các văn kiện trình Đại hội. Đây cũng là cách làm mới. Văn kiện Đại hội là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ rất vui mừng, phấn khởi, đã dự nhiều Đại hội, nhưng đây là "Đại hội thành công nhất, cả về nội dung, hình thức, cách thức, lề lối làm việc, các văn kiện được thông qua". (Ảnh: Tuấn Anh)

Tổng Bí thư cũng cho biết công tác nhân sự làm rất chu đáo, cẩn thận, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, lấy các ý kiến nhiều nơi, vì thế mà khi ra đại hội công tác nhân sự bàn không nhiều, thống nhất rất cao.

Thứ ba là công tác tổ chức phục vụ Đại hội được thực hiện rất tốt. Hiếm Đại hội nào lại chuẩn bị chu đáo cẩn thận về nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, cách thức đại hội, tạo điều kiện hết sức cho các đại biểu về dự Đại hội, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang xảy ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, các nội dung của Đại hội đã được thống nhất cao, biểu quyết nhanh. "Một điều quan trọng nữa cảm nhận được là không khí tin cậy lẫn nhau, mừng, hồ hởi vì đất nước phát triển. Việc vui mừng, hồ hởi ấy không tự nhiên mà có mà từ thực tiễn phát triển đất nước. Hướng phát triển đại hội đề ra không chỉ 5-10 năm tới mà xa hơn nữa, nhất là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, thành công không phải tự nhiên mà có, không phải thành công là ở thông qua nghị quyết và bầu Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực.

"Vừa qua Đại hội đã kiểm điểm khâu chỉ đạo thực hiện vẫn yếu, nên cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, hành động quyết liệt, tạo ra của cải vật chất, đưa đất nước phát triển giàu mạnh ở một tầm cao mới", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá rất cao tác nghiệp của báo chí tại đại hội đã đưa tin kịp thời, đáp ứng mong đợi của người dân. Báo chí cũng đã góp phần phát hiện, phản bác những luồng thông tin không đúng, xấu độc, góp phần vào thành công của Đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định: "Đất nước tra chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín, tiềm lực như ngày nay", và cho biết nội dung này đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội.

"Cũng phải thảo luận rất nhiều. Có ý kiến nói thế có kiêu ngạo không. Tôi khẳng định là có cơ sở để khẳng định như vậy", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Báo chí cũng đã góp phần phát hiện, phản bác những luồng thông tin không đúng, xấu độc, góp phần vào thành công của Đại hội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có điều chỉnh, giải pháp nào để công tác này bền vững hơn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, phòng chống tham những là vấn đề rất lớn, không phải mỗi Việt Nam mà nước nào cũng có, thời nào cũng có - đó là bệnh của những người có chức, có quyền, nắm trong tay tiền, của, không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, cuộc phát động phòng chống tham những bắt đầu từ năm 2013 khi ông được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc Đảng, cho đến nay công cuộc này vẫn diễn ra liên tục, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã bị đi tù, nhiều tài sản trị giá hàng triệu đô la đã bị thu hồi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng là “không ngừng, không nghỉ, không từ đó là ai và không có vùng cấm”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc này không phải làm để trừng trị, hay thù oán ai mà hoàn toàn nhân văn, nhân đạo, như lời Bác Hồ nói “Cưa một một cành cây mọt để cứu cả cái cây” - xử một vài người để ngăn ngừa nhiều người khác vi phạm, với mục đích để ngăn ngừa, răn đe chứ không phải là xử nhiều, xử nặng.

Ông cũng khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn rất khó khăn, phức tạp, lâu dài, gian khổ và quyết liệt, cần phải có bản lĩnh, quyết tâm, tu dưỡng, rèn luyện mới làm được.

Toàn cảnh buổi họp báo về kết quả Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trước đó, sáng 1/2/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bế mạc và thành công tốt đẹp.

Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gồm các đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Các văn kiện đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ mới, thực hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Báo cáo chính trị: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng để định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội khẳng định, Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, cầm quyền trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế, cụ thể hoá, triển khai thực hiện đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc, cơ chế, quy định của Đảng, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.