Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. (Nguồn: TTXVN) |
Chuỗi chương trình song phương và đa phương dày đặc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) và làm việc tại Hoa Kỳ khắc họa những thông điệp về một Việt Nam cam kết mạnh mẽ vì tương lai chung, bức tốc để hiện thực hóa một tương lai hòa bình và sẵn sàng cho một khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chỉ khi đoàn kết mới thành công
Nếu nói ai đó chỉ còn “cơ hội duy nhất để sống”, chắc chắn cơ hội đó sẽ được giành giật bằng mọi giá. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai được nhiều chuyên gia, trong đó có Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang đánh giá là “cơ hội duy nhất trong thế hệ này” để quốc tế thống nhất về tầm nhìn và cách thức kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Cơ hội này vô cùng quý giá!
Có thể cảm nhận rõ quyết tâm chung của các đại biểu tham dự Hội nghị khi cùng lên tiếng về các vấn đề cấp thiết như thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ, toàn diện các thể chế đa phương; tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu; huy động hiệu quả hơn các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững…
“Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại. Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bức tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho mọi quốc gia trên thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm |
Với Việt Nam, phát triển bền vững vì lợi ích của con người, hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai cũng là những trăn trở đau đáu, mong muốn cùng bạn bè thế giới tìm ra hướng đi cho những bài toán không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết.
“Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị, đồng thời nêu bật cam kết đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng hơn bao giờ hết, cần phát huy cao độ vai trò của các thể chế toàn cầu, đặc biệt là LHQ và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN nhằm đạt mục tiêu cao nhất là chấm dứt xung đột, xoá bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, kiến tạo hoà bình, xây dựng một thế giới tốt đẹp.
Thông điệp về tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tin cậy tiếp tục được Lãnh đạo cấp cao Việt Nam truyền tải mạnh mẽ tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ. Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công thế giới hoà bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau, để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Hiệp ước cho tương lai” - bản kế hoạch mang tính đột phá (theo nhận định của Tổng thư ký António Guterres) được ĐHĐ LHQ thông qua “nóng hổi” ngay trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao là lời đáp cho muôn triệu trái tim hướng về LHQ và là hành động đoàn kết đầu tiên giành lấy “cơ hội duy nhất” của nhân loại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: TTXVN) |
Dệt bức tranh tương lai
Chuỗi sự kiện làm việc quan trọng với lãnh đạo, quan chức, tập đoàn, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, học giả… Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến công tác truyền động lực khai mở những chân trời hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong khí thế sôi nổi tròn một năm hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là một quá trình hiếm có, là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Trong khi đó, phát biểu lần cuối cùng tại LHQ, Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (lần đầu vào tháng 9/2023). “Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi gặp lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng cấp quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đó là minh chứng cho sự bền bỉ của nhiệt huyết con người và khả năng hòa giải sau mâu thuẫn… Điều đó chứng tỏ rằng, đằng sau sự kinh hoàng của chiến tranh vẫn có con đường để tiến về phía trước. Mọi điều đều có thể tốt đẹp hơn”, ông Joe Biden “kể” câu chuyện về mối quan hệ truyền cảm hứng tới cộng đồng quốc tế.
Với lòng tin ngày càng được củng cố, hai nước đang cùng nhau vun đắp cho tương lai. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam mượn lời Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln “cách tốt nhất để đoán định tương lai là kiến tạo tương lai” để nhấn mạnh tinh thần dệt tiếp nên những điều phi thường của quan hệ hai nước. “Nếu ví mỗi hành động dù nhỏ bé như một sợi chỉ, khi được đan kết lại, gắn kết nhau sẽ dệt nên bức tranh tương lai, dệt nên những điều phi thường”, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam ví.
“Đôi cánh hợp tác kinh tế”, nhất là hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ “bay cao, bay xa” hơn nữa, thể hiện qua lời nhắn gửi với từng đối tác xuyên suốt chuyến công tác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng sự hợp tác quốc tế và hiểu rằng để thành công và đi xa trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chỉ có thể đi cùng nhau, xây dựng chuỗi giá trị vững chắc.
Ông Stephen Olson, nghiên cứu viên khách mời tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho rằng, việc các công ty, tập đoàn Hoa Kỳ nhiệt tình chào đón sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy sức hút của Việt Nam. Khẳng định của Phó Chủ tịch Apple Nick Ammann khi gặp Lãnh đạo Việt Nam rằng đất nước hình chữ S không chỉ là thị trường tuyệt vời đối với tập đoàn này, mà còn là cứ điểm sản xuất của Apple, cung cấp hàng hóa cho thế giới, là minh chứng cho sức hút đó.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. (Nguồn: TTXVN) |
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu chính sách gây ấn tượng tại Đại học Columbia - ngôi trường với bề dày lịch sử 270 năm, và một trong những cái nôi giáo dục hàng đầu của Hoa Kỳ đã đào tạo nên những người góp phần làm thay đổi tương lai.
Trước hàng trăm người tham dự trong khán phòng rộng lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định “đây là thời điểm không thể phù hợp hơn để chia sẻ với các bạn về con đường đi tới của Việt Nam”.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một đất nước thân phận nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã giành lại độc lập và ngày nay đã khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới. Việt Nam ngày nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai, tiếp tục công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài…
Nhìn lại, chuyến công tác đa phương đan xen song phương của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ thành công trên nhiều phương diện, không chỉ kể câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam mà còn đưa những thông điệp chính sách len lỏi vào suy nghĩ, tâm thức của bè bạn để hơn bao giờ hết, cùng nhau, chúng ta dựng xây một thế giới phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai.
Nhân chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp lãnh đạo các nước: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thái tử Kuwait Sheikh Sabah Al-Khaled Al-Sabah, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin; lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Tổng thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khoá 79 Philemon Yang, Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner và Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russel, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Ajay Banga.... |