📞

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Cố vấn đặc biệt về ngoại giao, an ninh của Tổng thống Hàn Quốc

Chu Văn 19:32 | 15/10/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Chang Ho-jin, Cố vấn đặc biệt về ngoại giao, an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 15/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Chang Ho-jin, Cố vấn đặc biệt về ngoại giao, an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh Cố vấn Chang Ho-jin sang thăm và làm việc tại Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm, được diễn ra ngay sau cuộc điện đàm trực tuyến cấp cao giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 3/9/2024; chúc mừng ông Chang Ho-jin được bổ nhiệm làm Cố vấn đặc biệt về ngoại giao, an ninh đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã sớm gửi điện thăm hỏi và Chính phủ Hàn Quốc kịp thời chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục những hậu quả của cơn bão Yagi vừa qua.

Cố vấn đặc biệt Chang Ho-jin cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành thời gian tiếp đoàn; một lần nữa trân trọng chuyển lời mời của Tổng thống Yoon Suk Yeol mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sớm thăm Hàn Quốc.

Đánh giá cao sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam trong hơn 30 năm qua, ông Chang Ho-jin khẳng định, Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong quá trình triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng và Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc.

Ông Chang Ho-jin bày tỏ tin tưởng và chúc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhất định sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, tầm nhìn đã đề ra.

Về phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, Cố vấn đặc biệt Chang Ho-jin bày tỏ cảm ơn và nhất trí cao với những ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về tăng cường hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới; nhấn mạnh thông điệp của Tổng thống Hàn Quốc về việc mong muốn trở thành đối tác tin cậy, quan trọng của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Bên cạnh hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Hàn Quốc coi trọng và mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng; hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và phối hợp trên các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: TTXVN)

Hoan nghênh thông điệp quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và các ý kiến của Cố vấn Chang Ho-jin về việc mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trân trọng và cảm ơn lời mời thăm Hàn Quốc của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước phối hợp trao đổi và thu xếp chuyến thăm vào thời gian phù hợp cho cả hai bên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Đồng chí Tô Lâm cũng nhấn mạnh một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Nhấn mạnh đường lối nhất quán của Việt Nam trong những vấn đề lớn, quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Chang Ho-jin nêu các quan điểm, lập trường của Chính phủ Hàn Quốc, nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.