Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch ngày 12/12/2023. (Nguồn: VGP) |
Có nhiều năm được tiếp xúc, làm việc dưới quyền với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ấn tượng sâu đậm nhất của ông về Tổng Bí thư là gì?
Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là một con người sống rất trong sạch, tình nghĩa, tiêu biểu cho việc học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong lúc nhiều đồng chí không giữ được đạo đức cách mạng như lời dạy của Bác Hồ thì Tổng Bí thư chính là người đã tái khẳng định chuẩn mực đạo đức cách mạng bằng chính sự liêm khiết, chính trực của mình. Ông đã nêu một tấm gương hiện thực về đạo đức cách mạng để mọi người tự soi chiếu, tự sửa mình.
Tổng Bí thư cũng là người đã phát động và chỉ đạo thực hiện bước đầu thành công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có ai đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt và đạt được kết quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã đặt cuộc đấu tranh này vào đường ray và đưa nó tiến về phía trước, như một con tàu đang băng băng tiến lên, không quay đầu.
Tin liên quan |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị trong lòng mỗi người dân Việt Nam |
Ông đánh giá thế nào về những di sản mà Tổng Bí thư đã để lại?
Di sản đồng chí Nguyễn Phú Trọng để lại rất to lớn. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và vững chắc về mọi mặt, từ phát triển kinh tế đến an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh và quan hệ đối ngoại.
Nói riêng về quan hệ đối ngoại, di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong mấy nhiệm kỳ vừa qua rất đặc sắc. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ 5 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chúng ta đã có chiến lược ngoại giao thích hợp để các nước thể hiện sự tôn trọng đối với thể chế chính trị của Việt Nam. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đón trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức đối với nguyên thủ quốc gia vào các năm 2015 và 2018. Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sang thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực hiện hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư. Có thể nói, đây là dấu ấn rất độc đáo, chưa từng có trong mối quan hệ quốc tế của Việt Nam với nước ngoài.
Đó là kết quả của đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” được chính Tổng Bí thư chỉ đạo. Tôi cho rằng, hình tượng cây tre rất phù hợp với đường lối ngoại giao khôn ngoan: vừa cứng cáp – tức là giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, vừa mềm dẻo, linh hoạt. Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và GS. Nguyễn Minh Thuyết chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: NVCC) |
Câu hỏi về con đường và chuyện mời cưới
Vậy có câu chuyện đời thường gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông muốn chia sẻ?
Tôi may mắn được làm việc dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở Quốc hội 5 năm liền. Đó là khi tôi làm đại biểu Quốc hội Khoá XI và XII, lúc đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội (từ năm 2006 đến đến năm 2011). Đồng thời, tôi là thành viên Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XI, mà Tổ trưởng Tổ Biên tập là đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Có thể nói, ấn tượng lớn nhất về ông, đó là một nhà lãnh đạo mẫu mực, khoan hòa, nhân ái, chân thành và cởi mở với mọi người.
Nhớ có một lần, sau buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặn trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi dự tiệc đứng ở sảnh Nhà khách Chính phủ (số 35 Hùng Vương). Tôi vô tình đứng cạnh Chủ tịch Quốc hội. Bất ngờ ông quay sang hỏi tôi: “Thế con đường ở quê chú đã làm xong chưa?”.
Tôi rất ngạc nhiên và cảm động bởi mình chỉ là một trong 500 đại biểu Quốc hội, cũng không phải quá gần gũi, thân tình, làm sao Chủ tịch lại nhớ được quê mình ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội - nơi có một con đường đang làm dở dang khi ông chuyển từ vị trí Bí thư Thành ủy Hà Nội lên làm Chủ tịch Quốc hội.
Thành thật mà nói, qua những lần tiếp xúc như thế, tôi mới có cơ hội hiểu thêm về con người ông, luôn quan tâm chân tình tới mọi người chứ không phải kiểu chiếu lệ.
Trong thời gian làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên đi thăm các cụ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cơ quan, đơn vị... Ngoài ra, một trong những hoạt động nữa của Chủ tịch là đến thăm đại biểu Quốc hội. Năm 2008, vào dịp Tết, tôi được Văn phòng Quốc hội báo trước 1-2 tiếng là Chủ tịch sẽ đến thăm. Nói thật, được đón Chủ tịch đến nhà thì vinh dự quá nhưng nhà chỉ có chai rượu vang loại bình thường, một hộp bánh mứt gì đấy để tiếp, kể cũng hơi áy náy. Nhưng ông rất vui vẻ, chúc Tết, trò chuyện thân tình, cởi mở rồi chụp ảnh chung với gia đình tôi và đó là một kỷ niệm rất khó quên.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cởi mở như vậy nhưng việc gì cần giữ gìn thì rất cẩn trọng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện mời cưới nhiều năm trước. Một lần tôi đến phòng làm việc mở thư báo ra để đọc và xử lý công việc thì bất ngờ thấy thiệp cưới của con trai Chủ tịch Quốc hội… nhưng lễ cưới đã được tổ chức trước đó mấy ngày rồi. Tôi gọi điện hỏi anh Nguyễn Huy Đông là thư ký của Chủ tịch: Vì sao văn phòng gửi thư từ, công văn chậm thế, đến thiệp mời cưới con trai Chủ tịch cũng chậm?
Anh Đông cười bảo tôi đấy là thiệp báo hỷ chứ không phải là thiệp mời. Tôi ngạc nhiên: "Nhưng sao cưới được mấy ngày rồi, tôi mới nhận được thiệp báo hỷ?”. Anh Đông bảo: “Anh Trọng dặn cưới xong mới được gửi thiệp báo hỷ cho các anh. Cả Quốc hội, anh ấy chỉ mời có 2 người thôi, còn lại đều gửi báo hỷ hết".
Câu chuyện nhỏ nhưng đã cho tôi thấy rõ tính liêm khiết là phẩm chất thường trực của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trở thành thái độ ứng xử đúng đắn trong mọi việc, mọi hành động. Hành động nhỏ đó của ông cũng đủ làm gương cho cán bộ, phải làm sao để ngăn chặn tất cả cơ hội người khác lợi dụng để quà cáp. Tuy không được dự đám cưới con của Chủ tịch Quốc hội cũng hơi tiếc nhưng tôi cho rằng cách xử sự như thế rất cẩn trọng mà mình cũng nên học tập.
Năm 2008, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy là Chủ tịch Quốc hội) đến thăm gia đình ông Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: NVCC) |
Có bài học gì từ Tổng Bí thư mà ông đã khắc ghi và vận dụng?
Như tôi đã nói, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng để mọi người tự soi chiếu và điều chỉnh bản thân. Tôi nghĩ rằng, mỗi đảng viên, cán bộ và công dân đều có thể học ở đồng chí tinh thần chí công vô tư, tính liêm khiết, chính trực và sự quan tâm chân thành đến mọi người, đoàn kết với tất cả mọi người vì mục đích chung.
Nói thực là sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng tổ chức cưới cho con trai ít lâu, tôi cũng lần lượt tổ chức cưới cho con gái, con trai. Nhưng cô con gái tôi khi ấy đang dạy học ở nước ngoài nên tổ chức đám cưới ở nước ngoài. Học kinh nghiệm của Chủ tịch, tôi cũng chỉ báo hỷ cho anh em sau khi đã tổ chức xong đám cưới cho cháu. Trường hợp gia đình tôi, làm như vậy càng hợp tình hợp lý vì có ai tham dự cưới được đâu.
Còn con trai tôi thì cưới vợ khi tôi đã về hưu. Đám cưới cháu, tôi chỉ mời họ hàng gần và bạn bè thân thiết của gia đình và của con, đúng 300 khách như quy định của Thành ủy Hà Nội lúc ấy. Thực tình, tôi không có chức tước gì lớn mà sợ người ta mượn dịp gia đình tôi có việc vui mà hối lộ nhưng làm như vậy đỡ phiền mọi người.
Xin cảm ơn ông!
Bài viết nằm trong chùm bài: Giá trị văn hóa Nguyễn Phú Trọng trong thời đại ngày nay
|