Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự, phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học Tổng kết 40 năm Ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Bộ Ngoại giao về “Tổng kết Lịch sử Ngoại giao Việt Nam 40 năm (1986 - 2026)”, nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về phương pháp và nội dung của quá trình biên soạn, tổng kết Lịch sử Ngoại giao Việt Nam.
Tin liên quan |
79 năm Ngoại giao Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước |
PGS. TS Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao điều hành Hội thảo. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo Học viện Ngoại giao và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cùng toàn thể các chủ nhiệm và thành viên của các đề tài nhánh của Chương trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu bật ý nghĩa to lớn của công tác tổng kết lịch sử đối với sự phát triển của ngành Ngoại giao và kêu gọi sự đóng góp của toàn ngành, đặc biệt là các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt, nhân chứng lịch sử của Bộ Ngoại giao đã tham gia trực tiếp vào công tác đối ngoại, ngoại giao gần 40 qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh, sản phẩm của Chương trình tổng kết sẽ là công trình trí tuệ tập thể của ngành, góp phần vào công trình Tổng kết 40 năm Đổi mới của Đảng cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời chuẩn bị chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước cho những thập kỷ tiếp theo.
Đồng chí yêu cầu Ban Chủ nhiệm và các thành viên của Chương trình cần phải cố gắng dành toàn tâm, toàn lực, huy động trí tuệ của toàn ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại để khai thác, chắt lọc kết quả nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước về lịch sử Ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1986-2026.
Đồng chí chỉ đạo phương pháp xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình nghiên cứu là bảo đảm quan điểm điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ và các đại biểu, các ý kiến đều thống nhất khẳng định công cuộc Đổi mới của đất nước ta trong 40 năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao.
Trong thời kỷ Đổi mới, ngoại giao cùng các binh chủng đối ngoại đi đầu trong việc, phá thế bị bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị để giữ vững hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị Ngoại giao 32, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá “ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các đại biểu tham dự đã trao đổi thực chất, thẳng thắn nhằm thống nhất quan điểm về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cho Chương trình Tổng kết 40 năm Lịch sử Ngoại giao Việt Nam (1986 - 2026).
Trên cơ sở tiếp thu những kết quả nghiên cứu của các chương trình tổng kết trước đây, các đại biểu cũng chỉ rõ những điểm mới cần đưa vào chương trình cũng như những “khoảng trống” cần được đi sâu tìm hiểu, đánh giá, tổng kết trong giai đoạn này.
Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Qua 3 tiếng đồng hồ, với 10 bài trình bày tham luận và 10 ý kiến phát biểu thảo luận, các đại biểu đã tập trung phân tích và làm sáng tỏ quá trình đổi mới tư duy của Đảng về đối ngoại, ngoại giao. Trên cơ sở đó, các đại biểu đi sâu phân tích thành tựu nổi bật, những bước chuyển lớn, khó khăn, thách thức và những vẫn đề đặt ra cho Ngoại giao Việt Nam xuyên suốt quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng.
Các nội dung phát biểu bám sát thực tiễn triển khai hoạt động đối ngoại trên các trụ cột: chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như sự phối hợp công tác giữa Ngoại giao với các lực lượng, binh chủng làm công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết, Hội thảo này chỉ là bước đầu tiên xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để triển khai các bước tiếp theo của quá trình biên soạn, tổng kết, mở đầu cho việc tham khảo và xin ý kiến đóng góp sâu hơn của các nhân chứng lịch sử, các ban, bộ ngành, địa phương và lực lượng làm công tác đối ngoại đối với từng chủ đề, vấn đề cụ thể được đưa vào tổng kết trong Chương trình nghiên cứu.
Hội thảo được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 79 năm thành lập Ngành Ngoại giao, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Ngành vào năm 2025.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các đại biểu sự Hội thảo đều có chung nhận định, sự kiện này không chỉ là diễn đàn học thuật quan trọng để trao đổi ý kiến về việc nghiên cứu, tổng kết lịch sử ngoại giao Việt Nam mà còn là dịp để các thế hệ lãnh đạo Bộ và cán bộ ngoại giao Việt Nam được gặp gỡ, chia sẻ niềm tự hào, kinh nghiệm, tình yêu và sự gắn bó, tâm huyết với ngành Ngoại giao.
Nhân dịp này, TS Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đã thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu tri ân đóng góp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cùng các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, tặng hoa chúc mừng vị Tư lệnh Ngành vừa được Đảng, Nhà nước tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo TS Phạm Lan Dung, đây là một niềm vui lớn của ngành Ngoại giao, khẳng định sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước với không chỉ cá nhân đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao mà còn khẳng định vị thế, vai trò “trọng yếu, thường xuyên” và mang tính tiên phong của Bộ Ngoại giao trong sứ mệnh phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
| Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Nhân dịp kỷ niệm 79 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 28/8/2024 phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính ... |
| Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh Chiều 28/8, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp đồng chí Lưu Ninh, Bí thư Đảng ... |
| Đẩy nhanh triển khai xây dựng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây Ngày 28/8, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với đồng chí Lưu ... |