Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; xác định là trách nhiệm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Lê Sơn) |
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.
Nghị định số 05 đã tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện; ban hành Chỉ thị số 28 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc.
Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 136.000 tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi và chính sách dân tộc (riêng 9 chính sách cho Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý đã bố trí 27,5 nghìn tỷ đồng); tổng dư nợ tín dụng chính sách cho khu vực này đến cuối năm 2015 cũng đạt gần 136.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn thiện, sản xuất phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi rõ nét. Theo kết quả điều tra đánh giá thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số ngày 01/7/2015, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8%; 92,7% số thôn, bản, xã có điện lưới quốc gia, 4,1% được sử dụng các nguồn điện khác; 97,6% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã (trong đó 71,9% là đường nhựa hoặc bê tông); trường học kiên cố đạt 77,1%, bán kiên cố 21,0%; trạm y tế kiên cố đạt 67,8%; bán kiên cố 31%.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Đó là, các quy định tại Nghị định là quy định chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chưa được thường xuyên, liên tục.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện ở một số bộ, ngành chưa kịp thời, còn hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc bố trí kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra (bình quân chỉ đáp ứng 40-60% kế hoạch). Chính sách tạo việc làm tuy đã được lồng ghép với chính sách giảm nghèo nhưng trong thực hiện còn nhiều bất cập; việc phân cấp đối với các địa phương triển khai chậm, hiệu quả chưa cao. Đây là những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và tập trung nguồn lực hơn nữa để giải quyết trong thời gian tới.
“Các địa phương phải năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm để thúc đẩy sự phát triển nhanh, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có những ưu đãi chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh, lựa chọn ra mô hình tiên tiến như cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn ở một số địa phương, tạo công ăn việc làm, phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, xoá bỏ tự ti và cung cách làm ăn nhỏ lẻ, gắn với các chính sách “bà đỡ” của Nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp và tín dụng của ngân hàng, lựa chọn ngành nghề có lợi thế để đào tạo nghề cho bà con như phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau, hoa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi, có chính sách đất đai tốt để bà con góp đất tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá, sản phẩm của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi họp. (Ảnh: VGP/Lê Sơn) |
Muốn làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sát sao của người đứng đầu, các bộ cùng làm, xây dựng các mô hình tiên tiến. Bên cạnh đó, báo chí vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ, nhân rộng các điển hình hay, mô hình tốt cho bà con học tập, làm theo.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05; tiếp tục ban hành hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 05; chủ trì hoặc phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc hiện hành cho phù hợp với tình hình phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho giai đoạn 2016-2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường nguồn lực nhà nước, đề xuất chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.
Đối với các địa phương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05 và các chính sách dân tộc hiện hành; chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.