Hội nghị phát triển ASEAN lần thứ tư tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. |
Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình phát triển của các nước khu vực Đông Nam Á trong năm 2021 và quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN.
Phát biểu qua video tại hội nghị, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung khẳng định, kinh tế Việt Nam năm 2021 cho thấy khả năng ứng phó, sức sống mãnh liệt trong điều kiện khắc nghiệt của dịch bệnh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; FDI đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020…
Quan trọng hơn cả là Việt Nam đã từng bước kiểm soát ổn định dịch bệnh, nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực; tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực, trao đổi cấp cao được duy trì với với tần suất cao, hình thức linh hoạt.
Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước được triển khai thường xuyên. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với 2020.
Xét theo tiêu chí quốc gia đơn lẻ (không tính EU, ASEAN), Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc 4 tháng đầu năm đạt 55,99 tỷ USD, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/72 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung phát biểu qua video tại hội nghị. |
Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung nhấn mạnh, Trung Quốc có câu ngạn ngữ “Quốc chi giao, trọng tại dân tương thân; dân tương thân, trọng tại tâm tương thông” (Bang giao giữa các nước quan trọng ở tình hữu nghị giữa nhân dân với nhau; hữu nghị nhân dân, quan trọng ở thấu hiểu tấm lòng nhau).
Để thấu hiểu lẫn nhau, giới nghiên cứu, học thuật các nước phát huy vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu, đánh giá về tình hình nước bạn, tuyên truyền khách quan về tình hình phát triển và quan hệ hữu nghị hai bên để củng cố cơ sở dân ý, làm nền tảng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là đối với thế hệ trẻ và trong các trường đại học.
Trong quá trình đó, Tổng lãnh sự quán sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác về giáo dục, học thuật, nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam với Quảng Tây, đóng góp cho hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định, với việc chính thức triển khai RCEP vào đầu năm nay, giao lưu kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã trở nên khăng khít hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong quý I năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với ASEAN đạt 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 14,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN chiếm 47,2% quy mô ngoại thương với các đối tác thương mại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). ASEAN đã một lần nữa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong đó Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Quảng Tây được Trung Quốc xác định là cửa ngõ để tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung về kinh tế thương mại, nhất là về liên kết chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng, giao thông vận tải, logistic...
Các đại biểu tin rằng, cùng với việc RCEP chính thức được triển khai, với nhu cầu và thiện chí của cả hai bên, hợp tác giữa Quảng Tây với Việt Nam và ASEAN trong thời gian tới sẽ có đóng góp tích cực vào hợp tác khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.