📞

Tổng thống bị truất quyền của Honduras: Trở về ngoạn mục

18:28 | 02/10/2009
Sau nhiều nỗ lực bất thành, ngày 21/9, Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya của Honduras đã trở về Thủ đô Tegucigalpa thành công mà chính phủ lâm thời không hề hay biết. Ông Zelaya cho biết “đã đi suốt 15 giờ, vượt qua nhiều sông, nhiều núi, nhiều trạm kiểm soát của cảnh sát và quân đội” để trở về “đàm phán xây dựng lại nền dân chủ cho Honduras”...
Dù đã trở về song mối đe dọa với ông Manuel Zelaya vẫn còn đó.

Có thể nói ngày 21/9 là “cơn ác mộng” đối với những người lật đổ ông Manuel Zelaya: họ đã làm mọi cách để ngăn ông trở về, từ việc cho quân đội bao vây sân bay khiến máy bay chở ông không thể hạ cánh cho đến canh gác gắt gao suốt dọc biên giới với Nicaragua.

 

Chuyến trở về của ông Zelaya đã gây bất ngờ cho toàn bộ Chính phủ lâm thời Honduras. Mặc dù ông Zelaya đã trú bên trong Đại sứ quán Brazil ở Tegucigalpa để tránh bị bắt giữ trong khi hàng nghìn người biểu tình tụ tập ở bên ngoài bày tỏ sự ủng hộ ông, song Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti ban đầu vẫn còn lớn tiếng phủ nhận làm gì có Zelaya ở Honduras và khẳng định rằng, ông Zelaya sẽ bị bắt ngay khi đặt chân lên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, những hình ảnh ông Zelaya vẫy chào những người ủng hộ mình tại sứ quán Brazil ở Honduras đã chứng tỏ thực tế này.

 

Đã quyết là làm!

 

Mượn cớ ông Zelaya đã phớt lờ lệnh của Toà án Tối cao phải hoãn tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nhằm thay đổi Hiến pháp Honduras, ngày 28/6, quân đội Honduras đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya. Bị trục xuất sang sống lưu vong tại Costa Rica, ông Zelaya luôn đau đáu ý chí quyết tâm tìm đường trở về quê hương.

 

Nỗ lực đầu tiên bắt đầu chỉ sau một tuần sống lưu vong. Theo hãng tin AP, máy bay chở ông Zelaya, vốn mượn của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, đã về đến Thủ đô hôm 5/7, nhưng đường băng lúc đó đã bị phong toả. Xô xát giữa cảnh sát và hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya đã xảy ra ở sân bay, làm 1 người tử vong và ít nhất 30 người bị thương. Vì thế, các phi công người Venezuela đã quyết định không liều lĩnh hạ cánh, mà lái máy bay sang El Salvador.

 

Không cam chịu thất bại, ngày 23/7, ông Zelaya tiếp tục tự lái một chiếc xe Jeep chở Ngoại trưởng Venezuela Nicolas Maduro đi từ Thủ đô Nicaragua đến TP. Esteli cách Honduras 40 km để chuẩn bị tiến vào Honduras ngày 25/7. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ mình đình công và đến biên giới chào đón ông.

 

Chính Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đã phải đánh giá bước đi trên của ông Zelaya là thiếu thận trọng. Còn Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhận định ông Zelaya đã hành động vội vã. Các động thái liên tiếp của ông Zelaya đã khiến Chính phủ lâm thời Honduras luôn đặt trong tình trạng cảnh giác, triển khai cảnh sát và quân đội, đồng thời ban hành lệnh giới nghiêm dọc biên giới với Nicaragua. 20 trạm kiểm soát an ninh được thiết lập dọc các đường cao tốc,  từ Thủ đô Honduras tới khu vực biên giới của Nicaragua - nơi ông Zelaya đặt trụ sở Chính phủ lưu động. Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Honduras cho biết lệnh bắt ông Zelaya cũng đã sẵn sàng và quân đội tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông Zelaya khi ông về nước. Thậm chí, Bộ Quốc phòng còn lu loa có thể ông Zelaya sẽ dàn cảnh một vụ ám sát chính ông rồi đổ tội cho quân đội.

 

Thế nhưng tối 27/7, cuối cùng Tổng thống hợp hiến của Honduras Zelaya cũng trở về nước được, dù chuyến trở về này chỉ kéo dài trong ít phút và cũng chỉ vào sâu trong lãnh thổ Honduras vài mét.

 

Nói chung, khi đó, bất chấp các cố gắng được tiến hành của quốc tế nhằm dàn xếp cuộc khủng hoảng ở Honduras cũng như nỗ lực trở về của bản thân ông Zelaya, các nhà phân tích tình hình khu vực đều nhận định rằng cơ hội trở về nước và được phục chức của ông Zelaya ngày càng xa vời.

 

Đã làm là thành công

 

Sự có mặt của ông Zelaya tại Tegucigalpa từ hôm 21/9 đến nay đã chứng minh rằng công sức ông bỏ ra bước đầu đã được đền đáp. 

 

Ông Zelaya đã nói với CNN: “Nhờ Tổng thống Brazil Luis Inacio da Silva và Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim, chúng tôi đã có một ngôi nhà tại Đại sứ quán Brazil. Đó là nơi chúng tôi dự định sẽ ở trong thời điểm hiện tại”. Tổng thống bị lật đổ cũng cho hay, ông đã trở về Tegucigalpa nhờ một chuyến leo núi hơn 15 tiếng, thay đổi các phương thức đi lại thường xuyên để qua mắt các trạm kiểm tra. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ chi tiết những ai đã giúp ông vượt qua biên giới vì không muốn gây nguy hiểm tới họ.

 

Trước đây, ngay từ nỗ lực trở về lần đầu tiên, phát biểu trên kênh truyền hình đa quốc gia Telesur, ông Zelaya từng cho biết một số Tổng thống các nước trong khu vực và thành viên các tổ chức quốc tế sẽ hộ tống ông về sân bay quốc tế ở Tegucigalpa trong ngày 5/7. Thậm chí, nhiều nguồn tin khi đó còn nói rõ, Tổng Thư ký OAS Jose Miguel Insulza, Tổng thống Argentina C.Kirchner và Tổng thống Ecuador Rafael Correa sẽ tháp tùng ông Zelaya trở về Honduras.

 

Lần này, tuy không nói rõ, song Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng miêu tả: “Tổng thống Manuel Zelaya, cùng với 4 người đồng hành, đã băng qua núi, qua sông và liều mạng sống của mình”. Theo Tổng thống Chavez, ông Zelaya đã đi bằng cả máy bay, xe tải, ôtô con và xe kéo rơmoóc với sự giúp đỡ của những người ủng hộ, bao gồm cả những người hậu thuẫn ông trong quân đội Honduras. Ông Chavez khẳng định: “Đó là một chiến dịch bí mật và đánh lừa”. Ông Chavez đã cùng ông Zelaya tạo một cuộc điện đàm giả, thảo luận kế hoạch tham dự khoá họp ĐHĐ/LHQ tại New York. Sau đó, ông Zelaya bay sang El Salvador - nơi hôm 20/9 ông gặp các nhà lãnh đạo cánh tả của Đảng Mặt trận Dân tộc giải phóng quốc gia Farabundo Marti.

 

Phát biểu với Reuters khi đã ở trong sứ quán Brazil tại Honduras, ông Zelaya tuyên bố: “Tôi là Tổng thống hợp pháp do người dân lựa chọn, đó là lý do tôi về đây”.

 

Dù đã trở về, song mối đe dọa với ông Zelaya còn đó. Chính phủ lâm thời ngày 27/9 đã ra tối hậu thư 10 ngày cho Brazil để quyết định hoặc cho ông Zelaya tị nạn tại Brazil hoặc chuyển giao cho phía Honduras. Chính phủ lâm thời còn khẳng định ông Zelaya phải bị đưa ra xét xử vì tội vi hiến, chứ không bao giờ chấp nhận để ông ta trở lại nắm quyền. Dù được cộng đồng quốc tế ủng hộ và bảo vệ, song ông Zelaya vẫn lo ngại cho tính mạng của mình. Ông đã nói với Đài phát thanh quốc gia Tây Ban Nha rằng rất có thể có âm mưu sát hại ông ngay tại Đại sứ quán Brazil ở Tegucigalpa.

 

Hoàng Minh