📞

Tổng thống Biden kêu gọi 37 tỷ USD đầu tư sản xuất chip điện tử

Khánh Tâm Châu 13:45 | 01/03/2021
TGVN. Tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ kêu gọi 37 tỷ USD nhằm thúc đẩy việc sản xuất chip điện tử tại nước này do sự thiếu hụt thiết bị bán dẫn đã khiến những nhà sản xuất trong nước, bao gồm các nhà sản xuất ô tô, phải cắt giảm quy mô.

Cùng ngày, Tổng thống Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp với mục đích giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung thiết bị bán dẫn trên toàn cầu. Theo các quan chức Chính phủ, vấn đề này đã khiến cho Nhà trắng và các thành viên Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt.

Tổng thống Biden kêu gọi 37 tỷ USD đầu tư sản xuất chip điện tử. (Nguồn: Reuters)

Sự khan hiếm nguồn cung, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng là chủ đề thảo luận giữa Tổng thống Biden và một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng tại Nhà trắng.

Tổng thống Biden nói, “Tôi đang chỉ đạo các quan chức cấp cao của Chính phủ phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nhằm tìm ra giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn cung thiết bị bán dẫn. Quốc hội đã đồng ý một dự luật, nhưng họ cần… 37 tỷ USD để đảm bảo thực hiện được mục tiêu trên. Tôi sẽ sớm thúc đẩy việc này".

Theo Nhà Trắng, phát biểu của Tổng thống Biden ám chỉ đến các biện pháp nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chip điện tử đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm nay. Tuy nhiên, các biện pháp này đòi hỏi một quy trình phân bổ riêng để thu được tài trợ.

Ngành công nghiệp chip điện tử đã gây áp lực lên Tổng thống Biden và Quốc hội nhằm thúc đẩy họ thực hiện hành động. “Chúng tôi thuyết phục Tổng thống và Quốc hội đầu tư mạnh cho ngành sản xuất và nghiên cứu chip điện tử ở trong nước”, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA) đưa ra tuyên bố vào thứ Tư.

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden đã triển khai một dự án kéo dài 100 ngày, với mục tiêu rà soát lại chuỗi cung ứng cho bốn loại sản phẩm thiết yếu: bao gồm, chip bán dẫn, pin dung lượng lớn dành cho xe điện, đất hiếm và dược phẩm.

Ngoài ra, sắc lệnh cũng rà soát 6 lĩnh vực khác, bao gồm quốc phòng, y tế công cộng, công nghệ truyền thông, vận tải, năng lượng và sản suất thực phẩm.

Mỹ đã gặp khó khăn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thực trạng này đã khiến cho những mặt hàng y tế thiết yếu như khẩu trang, găng tay và thiết bị bảo hộ cá nhân trở nên khan hiếm, từ đó tạo ra áp lực cho những nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Sự thiếu hụt chip điện tử chính là minh chứng mới nhất cho tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Cơn khủng hoảng này đã khiến một số nhà sản xuất ô tô phải yêu cầu công nhân tạm ngưng hoạt động sản xuất trong một thời gian.

“Xin đừng nhầm lẫn, chúng tôi không lập kế hoạch chỉ để hoàn thành các báo cáo. Chúng tôi đang lên kế hoạch hành động nhằm thu hẹp các khoảng cách ngay khi chúng tôi xác định được chúng,” một quan chức cho biết.

Tập đoàn sản xuất ô tô Ford Motor cho biết, sự thiếu hụt chip điện tử có thể làm giảm hoạt động sản xuất của họ lên đến 20% trong quý đầu tiên của năm 2021. Trong khi đó, tập đoàn General Motors nói rằng, họ buộc phải cắt giảm sản lượng sản phẩm tại các nhà máy ở Mỹ, Canada và Mexico và họ sẽ đánh giá lại kế hoạch sản xuất vào giữa tháng Ba tới.

Tập đoàn Ford Motor ca ngợi kế hoạch của Tổng thống Biden và đưa ra tuyên bố rằng, “chúng ta cần phải cam kết giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung này càng sớm càng tốt. Nó vô cùng quan trọng đối với lực lượng lao động, các khách hàng và công việc kinh doanh của chúng ta”.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, các công ty bán dẫn của nước này chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% hoạt động sản xuất được thực hiện tại Mỹ.

Các nhà lập pháp Cộng hòa đang gây áp lực lên Tổng thống Biden nhằm yêu cầu tăng cường bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ, bằng cách đầu tư sản xuất chip bán dẫn thế hệ mới, ngay tại lãnh thổ nước này.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul thuộc đảng Cộng hòa phát biểu, “tôi kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden dành ưu tiên cho việc bảo vệ những công nghệ mới và đóng vai trò thiết yếu cho nền kinh tế, chẳng hạn như thiết bị bán dẫn”.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Biden, Nhà Trắng sẽ tìm cách đa dạng hóa chuối cung ứng của một số sản phẩm nhất định, bằng cách phát triển hoạt động sản xuất trong nước, cũng như hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á và khu vực Mỹ Latin, khi nước này không thể phát triển sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng sẽ xem xét việc hạn chế nhập khẩu một số nguyên liệu nhất định, cũng như việc đào tạo cho đội ngũ lao động trong nước.

(theo Reuters)