📞

Tổng thống Brazil thăm Mỹ: Làm cầu nối không dễ

09:34 | 30/03/2009
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Brazil Luiz Inácio Lula da Silva không mang tính “bước ngoặt” như kỳ vọng, Nhưng nếu cả Mỹ và Brazil nghiêm túc với liên minh mà hai bên tạo ra, cuộc “hội ngộ” sẽ mở đường cho mối quan hệ mới giữa Washington và Mỹ Latinh.

Hy vọng và tham vọng

 

Các chủ đề chính được đề cập như sản xuất các nguồn năng lượng thay thế, thúc đẩy thương mại đầu tư, cải thiện quan hệ với các nước Mỹ Latinh; cuộc gặp thượng đỉnh G20 và thượng đỉnh các nước châu Mỹ trong tháng 4 tới… cho thấy hai bên dành nhiều tham vọng cho chuyến thăm.

 

Liên minh với quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, Washington hy vọng Brasilia sẽ là cầu nối giúp Mỹ quay lại khu vực mà Mỹ coi là “sân sau”. Quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước Mỹ Latinh đã trở nên gai góc dưới thời Bush từ cuộc chiến Iraq, những tai tiếng từ nhà tù Guantanamo tới những biện pháp trừng phạt mà Washington áp dụng với một số nước mà họ cho là không thân thiện hoặc không nỗ lực ngăn chặn làn sóng tội phạm và nạn buôn bán thuốc phiện.

 

Sự vươn lên của Brazil như một đối tác đối thoại chính của Mỹ trong khu vực thay thế Mexico là điều không tránh khỏi. Thời gian qua, do phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ, Tổng thống Felipe Calderón có một chính sách đối ngoại khá mờ nhạt. Hiện Mexico đã mất đi phần lớn sự hiện diện ngoại giao quốc tế của mình và không còn liên minh mật thiết với Mỹ như những năm qua.

 

Trong khi đó, với Brazil, việc Tổng thống Lula là nguyên thủ đầu tiên của Mỹ Latinh được ông Obama tiếp tại Nhà Trắng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Nồng nhiệt với Mỹ, Brazil không chỉ nhằm củng cố vị thế cường quốc trong khu vực mà còn muốn có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề thế giới. Mặc dù luôn phủ nhận ý đồ trở thành lãnh đạo khu vực, nhưng những gì mà Brazil thực hiện trong nhiều năm qua đã khẳng định tham vọng của nước này. Hội đồng phòng thủ chung 12 quốc gia Nam Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Nam Mỹ,  Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đều được lập theo sáng kiến của Brazil. Năm 2004, Brazil lần đầu tiên chấp nhận đi đầu trong phái đoàn giữ gìn hòa bình của LHQ ở Haiti. Từ khi Tổng thống Lula lên nắm quyền cách đây 5 năm, Brazil đã khai trương 35 sứ quán mới. Brazil còn mở rộng cửa đối với Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành phát ngôn viên của các nước phía Nam bán cầu…

 

Năng lực và hiện thực

 

Nếu Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Mỹ Latinh, Brazil chính là điểm xuất phát thích hợp. Sau nhiều năm khó khăn, nền kinh tế Brazil đã thực sự cất cánh. Năm 2007, nền kinh tế nước này vươn lên ở vị trí thứ 10 thế giới. Là nước xuất khẩu hàng đầu về nhiều loại nguyên liệu như cà phê, đường, quặng sắt, Brazil có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường giá cả thế giới và một vai trò khá quan trọng trong tiến trình đàm phán Doha.  Quốc gia sở hữu một diện tích rừng Amazon rộng lớn này cũng là một đối tác không thể thiếu trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể nước này đứng thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới. Vai trò liên kết khu vực cũng khiến Brazil tạo lập được uy tín nhất định. Ngay trước chuyến thăm, ông Lula đã nhận được sự đồng ý của Tổng thống Hugo Chavez để Brazil thực hiện vai trò “cầu nối” giữa Mỹ và Venezuela.

 

Bản thân Brazil đang gây chú ý để chứng tỏ cho thế giới biết là họ đang tồn tại và rất mạnh mẽ, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. Rất thành công khi lập ra nhóm 20 nước đang trỗi dậy để bảo vệ lợi ích của mình trong WTO, nhưng Brazil lại thất bại khi thuyết phục nhóm này chấp nhận thỏa hiệp trong các cuộc tranh luận tại WTO hồi năm ngoái. Chuyến công du của Ngoại trưởng Celso Amorim đến Trung Đông hồi đầu năm nay để thuyết phục Israel và Hamas ngừng bắn không có kết quả. Brazil cũng không đạt được mong muốn tham gia hồ sơ giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên...

 

Liệu có phải nguyên nhân của những thất bại này là do “nhà ngoại giao Lula đã chơi quá tầm của mình” như lời ông Alfredo Valladao, Đại học Khoa học Chính trị Pháp? Brazil chưa phải là một cường quốc, và hiện tại, Brazil cần giải quyết những vấn đề nội bộ trước khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Những chỉ trích của Mỹ về những điều khoản bảo vệ các nước đang phát triển tại vòng đàm phán Doha đe dọa hy vọng thúc đẩy Mỹ hoàn tất cuộc đàm phán đã kéo dài hơn 7 năm nay. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cũng khiến Mỹ khó chia sẻ mối lo với Brazil về việc giảm đói nghèo tăng viện trợ tại khu vực. Những quan tâm lớn hơn như Afghanistan, Trung Đông… khiến Mỹ không dễ thực hiện nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba và Venezuela như Brazil mong muốn.

 

Mặc dù vậy, Rubens Barbosa, cựu Đại sứ Brazil tại Washington cho rằng, đạt được sự công nhận của Mỹ về vai trò đối tác đặc biệt của Brazil trong khu vực cũng là một thành công. Bản thân ông Lula cũng thừa nhận: “Điều tôi muốn là Mỹ nhìn vào Mỹ Latinh với một ánh mắt thân thiện. Chúng tôi là một lục địa dân chủ và hòa bình, Mỹ nên nhìn vào sự xây dựng và phát triển, chứ không phải chỉ chú ý vào nạn tội phạm có tổ chức và buôn bán thuốc phiện”.

 

Phương Nguyên