Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ tin tưởng rằng người dân quốc gia Tây Á này sẽ vượt qua những điều kiện khó khăn nếu họ đoàn kết. (Nguồn: AFP) |
Theo hãng thông tấn Iran IRNA, Tổng thống Rouhani nêu rõ dù không thể khẳng định điều kiện hiện nay là tốt hơn hay tệ hơn so với giai đoạn chiến tranh những năm 1980-1988, song khi đó, Iran vẫn chưa phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến ngân hàng, kinh doanh dầu mỏ, xuất nhập khẩu. Đối mặt với sức ép chưa từng có trong lịch sử cách mạng Hồi giáo Iran, Tổng thống Rouhani tin rằng người dân nước này có thể vượt qua những điều kiện khó khăn hiện nay nếu như đoàn kết.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định lời cảnh báo nối lại việc sản xuất hạt nhân của Iran là "phản ứng tồi" trước việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp đặt trừng phạt. Ông cho biết mặc dù lấy làm tiếc trước việc Mỹ không tôn trọng cam kết, song Iran cần phải thể "sự chín chắn về chính trị". Ông Le Drian cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Mỹ và tầm quan trọng của đối thoại với Tehran trong vấn đề này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.
Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.
Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran là lĩnh vực mỏ và kim loại. Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều biện pháp hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình.