Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành lập một Ủy ban chuyên gia để nghiên cứu cải cách Tòa án Tối cao. (Nguồn: Redux) |
Động thái trên được đưa ra sau nhiều tháng tranh cãi về việc liệu đảng Dân chủ có tìm cách tăng số thẩm phán của cơ quan này lên nhiều hơn 9 người hiện nay hay không, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đã tạo ra đa số vững chãi cho phe bảo thủ trong Tòa án.
Tòa án Tối cao là cơ quan xét xử cấp cao nhất về các vấn đề pháp lý cơ bản của Mỹ, bao gồm vấn đề các quyền của người thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới, chủ nghĩa sắc tộc, án tử hình và các tranh cãi liên quan đến bầu cử.
Các thẩm phán được bổ nhiệm vào Tòa án này sẽ làm việc đến hết đời.
Thực hiện lời hứa tranh cử, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc thành lập ủy ban lưỡng đảng, gồm khoảng 30 chuyên gia, trong đó có các học giả tư pháp và pháp lý, các cựu quan chức hành chính và cựu thẩm phán liên bang, nhằm thảo luận vấn đề quan trọng là cải cách Tòa án Tối cao.
Một trong các nhiệm vụ chính của Ủy ban trên sẽ là đưa ra "phân tích về các lập luận chính trong cuộc tranh luận công khai đương thời giữa các ý kiến đồng ý và phản đối việc cải cách Tòa án Tối cao, trong đó có đánh giá mức độ thỏa đáng và hợp pháp của các đề xuất cải cách cụ thể".
Bản thân sắc lệnh hành pháp trên không đề cập khả năng mở rộng quy mô Tòa.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố trước đó, Nhà Trắng cho biết, nhiều vấn đề sẽ được nghiên cứu như "thời gian phục vụ và việc thay thế thẩm phán, thành viên và quy mô Tòa, việc lựa chọn các vụ việc, cũng như các quy định và thông lệ của Tòa".
Sắc lệnh yêu cầu ủy ban hoàn tất báo cáo trong vòng 180 ngày kể từ cuộc họp công khai đầu tiên.
Trong số các ủy viên có bà Nancy Gertner, thẩm phán cấp quận từ năm 1994-2011 và chuyên gia về hiến pháp Laurence Tribe, giáo sư Đại học Harvard và học giả nổi tiếng từng làm việc dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Việc thành lập Ủy ban nói trên được thực hiện 6 tháng sau khi thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett được phê chuẩn làm thẩm phán Tòa án Tối cao, thay thế cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, một hình tượng của tự do đã từ trần tháng 9/2020.
Cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thẩm phán Barrett chỉ vài ngày sau khi thẩm phán Ginsburg qua đời và vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020.
Nỗ lực của Tổng thống Biden đã vấp phải sự chỉ trích của Thượng nghị sĩ cấp cao Mitch McConnell của đảng Cộng hòa.
Ông McConnell cho rằng, hầu hết người dân Mỹ phản đối cải cách tòa án và cảnh báo Tổng thống đang "tấn công trực tiếp" vào hệ thống tư pháp.
Trong khi đó, nhiều người của đảng Dân chủ để ngỏ ý tưởng mở rộng Tòa án Tối cao, coi đây là một cách để cân đối lại.
Một số người kêu gọi thẩm phán già nhất trong Tòa án Tối cao, ông Breyer 82 tuổi, nên về hưu để Tổng thống Biden có cơ hội bổ nhiệm một người cấp tiến trẻ tuổi hơn.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Tổng thống muốn các chuyên gia pháp lý, những người đã nghĩ về các vấn đề này... có thể thảo luận về nó".
Quốc hội Mỹ từng mở rộng và thu hẹp quy mô Tòa án Tối cao vài lần hồi giữa thế kỷ XIX, trong đó có lần mở rộng tòa lên 10 ghế vào năm 1863 để tạo ra một ghế cho thẩm phán mà Tổng thống Abraham Lincoln bổ nhiệm.
Vài năm sau đó, số ghế của Tòa án Tối cao được giảm xuống còn 7 thẩm phán, để đến năm 1896 được tăng lên thành 9 ghế như hiện nay.