Nhỏ Bình thường Lớn

Tổng thống “kiểu Madagascar”

Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống chính quyền chuyển tiếp Madagascar của ông Andry Rajoelina diễn ra trong sự tẩy chay của cộng đồng quốc tế. Trong 6 tuần, Madagascar đã cùng một lúc có hai Tổng thống: Tổng thống được bầu Marc Ravalomanana nhưng bị mất uy tín nghiêm trọng và Andry Rajoelina, tự xưng là Tổng thống sau khi nhanh chóng phế truất đương kim Tổng thống.
Andry Rajoelina cùng những người ủng hộ trên đường phố sau khi tuyên bố kiểm soát Madagascar.

Con đường tiến tới chiếc ghế Tổng thống của Andry Rajoelina rất giống với đối thủ chính trị của ông là Tổng thống Marc Ravalomanana cách đây 7 năm. Tuy nhiên, cuộc bạo loạn bằng sức mạnh lần này khác với sự kiện năm 2002 ở chỗ nó đặt ra vấn đề về tính hợp hiến của việc chuyển giao quyền lực. Trước đó, kịch bản tương tự đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử Madagascar, vào năm 1972 và 1991. Cứ sau các cuộc xuống đường của dân chúng, chính quyền nước này lại thay đổi – từ đó bắt nguồn một cách gọi trở thành Tổng thống “kiểu Madagascar”.

 

Từ tuyên bố tự xưng là người đứng đầu đất nước và chịu trách nhiệm điều hành các công việc của nước này, thủ lĩnh phe đối lập Rajoelina nhanh chóng đi đến tuyên bố tiếp theo: “Tổng thống của nền cộng hòa, quốc hội và thượng viện cùng chính phủ đã bị phế truất. Quân đội không còn tuân lệnh Tổng thống nữa. Hiện tôi chính là người chỉ huy quân đội. Họ sẽ nhận lệnh từ Andry Rajoelina, và không phải chỉ ở Antananarivo, mà trên toàn Madagascar”.

 

Phía trước vị Tổng thống tự xưng mới 34 tuổi này là việc đáp ứng được kỳ vọng lớn lao người dân của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thuyết phục được cộng đồng quốc tế và Liên minh châu Phi (AU) về tính hợp hiến của chuyển giao quyền lực.

 

Sự lên ngôi lần này của ông Rajoelina gặp nhiều cản trở về về mặt pháp lý hơn so với sự lên ngôi của ông Ravalomanana 7 năm trước. Hiến pháp Madagascar quy định Tổng thống Marc Ravalomanana không có quyền trao quyền lãnh đạo đất nước cho quân đội, và cũng không có quyền nhường vị trí Tổng thống cho ông Rajoelina. Hiến pháp chỉ quy định Chủ tịch Quốc hội nắm quyền trong trường hợp Tổng thống từ chức hoặc bị bất tín nhiệm.

 

Các nhà quan sát cho rằng, nguy hiểm lớn nhất nhất chính là vị Tổng thống trẻ tuổi Rajoelina – từng tu nghiệp ở Pháp, vẫn còn quá non về kinh nghiệm chính trị, sẽ nhanh chóng phải đối mặt với việc chèo lái đất nước, vực dậy nền kinh tế và đảm bảo quyền lực trong bối cảnh bị bó buộc bởi Hiến pháp. Nếu ông Rajoelina muốn được bầu làm Tổng thống hợp hiến, ông sẽ buộc phải tiến hành sửa đổi hiến pháp. Riêng chỉ về tuổi tác, hiến pháp hiện hành của đất nước này quy định tuổi thấp nhất của Tổng thống là 40 tuổi.            

 

Hải Anh