TIN LIÊN QUAN | |
Thành tích “khủng” nhưng Tổng thống Macron chẳng thể lấy lòng EU | |
Tổng thống Macron - Bước ra từ G7 'trong bộ áo giáp chói lọi' và gian nan đón chờ |
Tổng thống Macron được đánh giá đã xuất sắc trong vai trò hòa giải tại Hội nghị G7 hồi tháng 8/2019. (Nguồn: AFP) |
Hai ưu tiên của ông Macron
Một tháng sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp), nơi ông Macron đã phần nào thành công trong vai trò trung gian hòa giải, tạo ra hy vọng giảm nhiệt ở Vùng Vịnh, nhà lãnh đạo Pháp hiện cố gắng biến lời nói thành hành động tại ĐHĐ LHQ.
Hồ sơ Iran và chống biến đổi khí hậu là hai ưu tiên của vị nguyên thủ Pháp. Trong đó, tìm cách củng cố vị trí quốc tế của mình bằng cách thể hiện cam kết về biến đổi khí hậu - một chủ đề gắn với chính trị, cũng như tính hiệu quả của ngoại giao chủ động - thực sự là một thách thức, khi mà cuộc họp của các nhà lãnh đạo 193 quốc gia thành viên LHQ diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay.
Còn căng thẳng giữa Washington và Tehran đã gia tăng trở lại trong vài ngày qua với thông báo Mỹ tăng quân tiếp viện và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng "chiến tranh sẽ không có giới hạn”. Dù phát biểu trên kênh truyền hình CNN chiều 22/9, ngoại trưởng Iran khẳng định rằng, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ gặp người đồng cấp Donald Trump nếu tổng thống Mỹ "sẵn sàng làm những gì cần thiết".
Không chắc chắn có đối thoại Mỹ - Iran
Ông Macron thừa nhận có "một thách thức tại New York”, nơi “hai nhân vật chính của cuộc khủng hoảng” đang có mặt. Ông hy vọng sẽ đạt được bước tiến nhất định, mặc dù cho rằng, sau các cuộc tấn công vào một số cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm, cơ hội tổ chức một cuộc đối thoại Mỹ - Iran càng trở nên không chắc chắn.
Theo Tổng thống Pháp, việc giải quyết căng thẳng gặp rất nhiều khó khăn do các phương cách tiếp cận vấn đề rất trái ngược nhau giữa Washington và Tehran. Ông Macron giải thích: "Người Iran linh hoạt về các thông số, nhưng không linh hoạt trong việc xác định một cuộc gặp gỡ mà trong mắt họ chỉ nên diễn ra vào cuối quá trình, trong khi mục tiêu của người Mỹ là tổ chức cuộc đối thoại này trong thời gian ngắn".
Theo ông Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump "tự quyết nhanh chóng”, trong khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani “cần dàn xếp với cả một hệ thống”.
Lại có nhiều tình tiết "thêm dầu vào lửa" trong xung đột Mỹ - Iran. (Nguồn: AFP) |
Đối với Iran, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn từ một tháng qua. Thỏa thuận về nguyên tắc đạt được tại Biarritz liên quan đến cuộc gặp gỡ Trump - Rouhani, mà ông Macron hy vọng sẽ tổ chức được, đã bị xóa bỏ kể từ sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia ngày 14/9.
Cũng như Riyadh, Washington đã cáo buộc Tehran là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công và tuyên bố siết chặt các biện pháp trừng phạt mới nhưng tránh xung đột vũ trang. Ông Macron nhấn mạnh "phải rất thận trọng khi quy kết… nhưng vụ đánh bom này là một hành động quân sự mới, làm thay đổi hệ sinh thái trong khu vực và tạo ra một tình huống mới". Ông khẳng định sự gia tăng căng thẳng là “một lỗi chiến lược lớn, cho chính bản thân Iran và cho cả khu vực".
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng vào tháng 5/2018 do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, siết chặt các lệnh trừng phạt mới đối với nước này và chấm dứt quyền ưu tiên miễn trừ dành cho 8 khách hàng lớn mua dầu thô từ Iran, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, Tổng thống Macron luôn cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng, cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran thông qua điều chỉnh các điều khoản phù hợp với tình hình thực tế mới. Theo ông, mặc dù Mỹ có vai trò chủ đạo, song vị thế bị suy yếu, nhất là khi Mỹ không đưa ra giải pháp thay thế nào. Tổng thống Macron nhắc lại rằng, từ trước khi có quyết định của ông Trump, Paris đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran theo 4 điểm: củng cố nội dung thỏa thuận, bổ sung các điều khoản cho giai đoạn sau năm 2025, kiểm soát chương trình đạn đạo của Iran và ngăn chặn các hành động của Iran làm mất ổn định khu vực.
Vai trò của đa phương
Tổng thống Macron cũng lưu ý rằng, hai năm kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, chương trình hạt nhân Iran chưa được giải quyết và xung đột trong khu vực cũng không thuyên giảm. Bởi vậy, ông kêu gọi ủng hộ "một chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ và chỉ ra tầm quan trọng cũng như giới hạn của chủ nghĩa đa phương trong quản lý khủng hoảng. Ông Macron phân tích: "Khuôn khổ của chủ nghĩa đa phương bị suy yếu, ví dụ như thỏa thuận hạt nhân Iran hiện bị thách thức do một số bên trong cuộc đã quyết định rời bỏ nó, dẫn đến sự gia tăng căng thẳng".
Sự gia tăng căng thẳng ở vùng Vịnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân Pháp. Ông Macron nhấn mạnh: "An ninh khu vực vùng Vịnh ảnh hưởng đến giá xăng dầu, tác động mạnh lên sức mua, nhưng đó cũng là an ninh của chính chúng ta, bởi vì bất kỳ một "đốm lửa" căng thẳng nào cũng sẽ dẫn đến hiệu ứng domino rất khó kiểm soát".
| Chủ tịch Trung Quốc thăm châu Âu: chuyến Tây du trong bão tố Chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra khi châu Âu đang chia rẽ vì sáng kiến “Vành đai và Con ... |
| Tổng thống Macron nỗ lực “tái tạo sự đồng thuận” ở nước Pháp Ba ngày sau sự khởi động thành công cuộc đối thoại quốc gia, Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 18/1, tại thành phố Souillac đã ... |
| Ông Macron sẽ tỏa sáng với "tầm nhìn nhân văn"? Ông Emmanuel Macron đã làm dấy lên ít nhiều trông đợi về một đường lối quốc tế mới - "Tầm nhìn nhân văn của một thế ... |