Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. (Nguồn: AP) |
Ngày 30/7 tại Tehran, tuyên thệ trước Quốc hội, ông Masoud Pezeshkian, 69 tuổi, chính thức trở thành Tổng thống thứ chín của Cộng hòa Hồi giáo Iran, qua đó kế nhiệm ông Ebrahim Raisi, người qua đời sau vụ tai nạn máy bay hồi tháng Năm. Tuy nhiên, chờ đón ông là hàng loạt thách thức đối nội và đối ngoại cam go.
Nhiệm vụ cam go
Thách thức đầu tiên tân Tổng thống Masoud Pezeshkian phải đối mặt là thành lập chính phủ mới và vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Chính trị gia 69 tuổi sẽ có hai tuần để thành lập chính phủ, trước khi đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên.
Hiện nhà lãnh đạo này đã bổ nhiệm ông Mohammad Reza Aref, 72 tuổi, làm phó tướng. Ông Aref có lập trường cải cách trung dung và từng đảm nhiệm vị trí này dưới thời cựu Tổng thống Mohammad Khatami, giai đoạn ông Pezeshkian đang làm Bộ trưởng Y tế. Trong vài ngày tới, tân Tổng thống Iran dự kiến bổ nhiệm những vị trí then chốt, với sự xuất hiện nhiều hơn các chính trị gia cải cách trung dung.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông chỉ trích phe cứng rắn vì không khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 hay bán dầu với giá thấp để né trừng phạt, đây vẫn là lực lượng chủ chốt, đứng đầu là Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Do đó, nhà lãnh đạo này có thể sẽ bổ sung một số nhân vật có quan điểm cứng rắn hơn vào nội các. Nỗ lực củng cố vị thế của ông Pezeshkian góp phần khôi phục sự cân bằng, đoàn kết giữa các lực lượng chính trị. Bên cạnh đề cập sự ra đi của người tiền nhiệm, ông ca ngợi Thiếu tướng Qassem Soleimani, nhân vật biểu tượng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người bị quân đội Mỹ ám sát tháng 1/2020 tại Baghdad, Iraq.
Bài toán thứ hai ông cần sớm có lời giải là khôi phục nền kinh tế và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Số liệu từ Trung tâm Thống kê của Iran cho thấy bất chấp chi tiêu công và nguồn thu tăng lên từ việc bán dầu mỏ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã chậm lại, giảm từ 7,9% (quý II/2023) xuống 5,1% (quý IV/2023). Tính từ tháng 3/2023-3/2024, tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% và dự kiến giảm xuống 3% trong năm tài khóa 2024-2025. Lạm phát ở mức 43,6%, các khoản đầu tư tại Iran giảm mạnh và chỉ còn chiếm 11% GDP.
Nhìn theo hướng tích cực, tỷ lệ thất nghiệp tại Iran giảm từ 9% (năm tài khóa 2022-2023) xuống 8,2% (năm 2023-2024). Đồng thời, thống kê của Ngân hàng trung ương Iran cho thấy ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (58%) trong cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định. Nếu được duy trì và kích thích hợp lý, đây có thể là động lực tăng trưởng mới của Iran, qua đó giảm phụ thuộc vào việc bán dầu mỏ.
Bước ngoặt ở Tehran?
Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu dầu mỏ vẫn là nguồn thu nhập then chốt. Song, để phát huy hết tiềm năng của lĩnh vực này, nối lại JCPOA hoặc tìm kiếm một thỏa thuận tương tự về dỡ bỏ cấm vận là cần thiết. Phát biểu ngày 30/7, tân Tổng thống Iran khẳng định: “Tôi không dừng lại chừng nào cấm vận bất công đó bị bãi bỏ. Chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế với thế giới”. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani nhấn mạnh khôi phục JCPOA là “phương án tốt nhất” và chính phủ nước này sẵn sàng điều chỉnh chương trình hạt nhân nếu cấm vận “được dỡ bỏ hoàn toàn và có thể kiểm chứng được”. Đây là thay đổi đáng kể của chính quyền ông Pezeshkian so với người tiền nhiệm Raisi.
Tuy nhiên, ông Pezeshkian khẳng định việc nối lại JCPOA hay tìm kiếm một thỏa thuận tương tự không đồng nghĩa rằng Iran nhượng bộ Mỹ. Trong bài viết trên tờ Mehr Times (Iran) ngày 12/7, chính trị gia này nhấn mạnh: “Nước Mỹ cần nhìn nhận thực tế để hiểu rằng, trước nay cũng như sau này, Iran đã và sẽ không khuất phục trước áp lực”. Khẳng định sự rút lui của Mỹ khỏi JCPOA cùng thái độ thù địch với Iran là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng quan hệ hai nước hiện nay, ông Pezeshkian kêu gọi xứ cờ hoa “rút kinh nghiệm từ tính toán sai lầm trong quá khứ và có điều chỉnh chính sách hợp lý”.
Quan điểm của ông về các bên tham ký kết JCPOA còn lại có phần ôn hòa hơn. Chính trị gia này thừa nhận quan hệ Iran - châu Âu “chứng kiến nhiều thăng trầm”, đơn cử như việc Pháp, Đức và Anh nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song lại chưa thể thực hiện cam kết. Tuy nhiên, ông hy vọng hai bên có các “cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng” đưa quan hệ trở lại đúng hướng; tuyên bố này và sự hiện diện của Đặc phái viên châu Âu về đàm phán hạt nhân Iran Enrique Mora tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Pezeshkian là tín hiệu tích cực.
Tân Tổng thống Iran mong muốn tiếp tục thiết lập “quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện” cùng có lợi với Trung Quốc, trên cơ sở lộ trình quan hệ 25 năm được hai nước nhất trí, hướng tới một trật tự thế giới mới. Chính trị gia này đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Iran - Saudi Arabia.
Về Nga, ông khẳng định xứ bạch dương vẫn là “đối tác chiến lược quan trọng, láng giềng” của Iran; hai bên cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ. Đồng thời, Chính phủ mới sẵn sàng thúc đẩy các sáng kiến hòa bình ở Ukraine. Dự kiến, tân Tổng thống Iran sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ở Kazan (Nga) tháng Mười tới.
Trên bình diện khu vực, ông khẳng định Iran “mong muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Oman, Iraq, Bahrain, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và tổ chức khu vực” để củng cố quan hệ chính trị, liên kết kinh tế và giải quyết thách thức chung. Song lập trường của ông đối với Israel lại khác biệt hoàn toàn. Dùng ngôn từ rất mạnh để chỉ trích Israel và chiến dịch quân sự của nước này tại Dải Gaza, ông thể hiện ủng hộ mạnh mẽ với đất nước, nhân dân Palestine. Điều này tương đồng với lập trường chung của cả phe cứng rắn và phe cải cách trung dung tại Iran.
Liệu làn gió mới tại Tehran có giúp xây dựng ổn định chính trị, khai phá động lực tăng trưởng mới, duy trì và nâng cao vị thế Iran trong một Trung Đông biến động? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.