Tổng thống Mỹ gợi ý Trung Quốc gỡ rối vấn đề Huawei bằng thỏa thuận thương mại. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói: “Nếu nhìn từ góc độ an ninh hay quân sự, bạn có thể thấy rằng những gì mà Huawei đang thực hiện rất nguy hiểm. Nếu chúng ta đang đàm phán về một thỏa thuận, tôi cho rằng, Huawei có thể được đưa vào một phần nào đó của thỏa thuận”.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng nhận định, bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ sớm được giải quyết.
Theo Tổng thống Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ phải hành động nhanh vì “ông không thể tưởng tượng ra được viễn cảnh hàng nghìn công ty buộc phải rời bỏ quốc gia châu Á này để tìm kiếm vị trí hoạt động ở nước khác”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng xác nhận sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tới Nhật Bản dự hội nghị G20 vào tháng tới.
Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kết thúc vòng đàm phán tại thủ đô Washington ngày 10/5 mà không đạt thỏa thuận. Cả hai bên đều cho biết các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục tại Bắc Kinh.
Mỹ gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi các chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình, cũng như các khoản trợ cấp lớn cho các công ty nhà nước và giảm khoảng cách thâm hụt thương mại Mỹ - Trung. Bắc Kinh đã đề xuất một số nhượng bộ, bao gồm việc thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới, hứa hẹn cấm chuyển giao công nghệ bất hợp pháp.
Tới ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể vào một danh sách đen xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, Washington đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho tới giữa tháng 8 tới, động thái được cho nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Theo giới quan sát, động thái nhằm vào Huawei của Mỹ có thể coi là để gây sức ép với Trung Quốc trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại.
Trong một diễn biến khác, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang phối hợp để hoàn tất các đề xuất cải tổ các quy định toàn cầu về trợ cấp công nghiệp, nhằm hạn chế cái gọi là "những hành vi bóp méo thị trường" của Trung Quốc.
Ngày 23/5, tại Paris (Pháp), Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko đã có cuộc gặp ba bên mới nhất trong chuỗi các cuộc thảo luận về việc giải quyết những hành vi bóp méo thị trường thương mại, được bắt đầu từ năm 2017.
Ba nước trên muốn đưa ra những quy định cứng rắn hơn đối với các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong vấn đề trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp quốc doanh, đồng thời muốn khởi động đàm phán để thông qua nhũng quy đinh này.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp trên, ba bên nhấn mạnh đã đạt được tiến triển về việc xây dựng một văn bản chung liên quan đến việc gia tăng sự minh bạch, nhận diện những trợ cấp có hại mà có thể xứng đáng bị đối xử một cách nghiêm khắc và các tiêu chuẩn thích hợp.
Mặc dù không đề cập tới Trung Quốc, song tuyên bố nhắc đến những yếu tố của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, vốn bị nhiều nước công nghiệp coi là bóp méo sự cạnh tranh toàn cầu, trong đó có những chính sách phi thị trường, ép buộc chuyển giao công nghệ, cũng như việc trợ cấp và vấn đề doanh nghiệp quốc doanh.