Phát biểu với báo giới ngày 19/2 bên lề một sự kiện tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông chưa thể công bố thời gian chính xác. Tuy nhiên, theo ông, ngày 1/3 không phải là "ngày kỳ diệu" bởi rất nhiều thứ hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trước thềm cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa các quan chức cấp cao hai nước, dự kiến diễn ra vào ngày 21 và 22/2 tại Washington. Ngày 19/2, hai bên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp thấp để chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao này.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót.
Các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc "rất phức tạp", song đang "tiến tiển tốt". (Nguồn: iStock) |
Trước đó, sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc tại Bắc Kinh ngày 15/2 mà không đạt được thỏa thuận nào, ông Trump đã ngụ ý có thể gia hạn thời hạn chót vào ngày 1/3 để hai bên có thêm thời gian và đạt được một thỏa thuận thương mại.
Nếu Tổng thống Mỹ không gia hạn thời hạn chót, ngày 1/3 tới, Mỹ sẽ tăng mức áp thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 200 tỷ USD.
Việc để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm và đồng USD giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 19/2, ba chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ đều tăng điểm.
Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 8,07 điểm, tương đương 0,03%, lên 25.891,32 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 4,16 điểm, tương đương 0,15% lên 2.779,76 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 14,36 điểm, tương đương 0,19%, lên 7.486,77 điểm.
Trong khi đó, bốn ngày sau khi tăng lên 97,368 - mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, ngày 19/2, chỉ số đồng USD đã giảm 0,425 xuống còn 96,5 so với các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ trong bối cảnh các nhà giao dịch bày tỏ lạc quan về các vòng đàm phán thương mại mới có thể giúp giải quyết tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đa phần các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường vẫn cảm thấy khá tự tin về tiến trình đàm phán hiện nay giữa hai nước và dù hai bên có thể chưa đạt được mục tiêu trước thời hạn ngày 1/3, nhưng tình hình sẽ không leo thang.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát trên thị trường vẫn tỏ ý không an tâm về việc các cuộc đàm phàn chưa có những tiến bộ cụ thể. Nhà phân tích Jeffrey Halley thuộc công ty tài chính OANDA, cho rằng những diễn biến tích cực gần đây trên các thị trường tiền tệ, chứng khoán, năng lượng toàn cầu được dựa trên những thông tin mơ hồ.
Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào, tình hình trên thị trường sẽ xấu đi nhanh chóng.