📞

Tổng thống Mỹ tiếp tục cảnh báo Iran cần phải thận trọng

06:57 | 10/07/2019
TGVN. Ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cảnh báo Iran về việc nước cộng hòa Hồi giáo này vượt quá giới hạn làm giàu uranium cho phép. 
Tổng thống Mỹ tiếp tục cảnh báo Iran cần phải thận trọng. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Iran đang làm rất nhiều việc xấu... tốt hơn hết họ cần phải vô cùng thận trọng".

Cảnh báo của Tổng thống Trump lặp lại những phát biểu tương tự mà ông đã đưa ra hồi cuối tuần vừa qua tại bang New Jersey, được đưa ra một ngày sau khi các thanh sát viên Liên hợp quốc (LHQ) xác nhận Tehran đã vượt quá giới hạn làm giàu uranium cho phép theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với các cường quốc trên thế giới, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, động thái của Iran tăng cường các hoạt động làm giàu uranium, phá vỡ JCPOA không gì khác là một lời cảnh báo tuyệt vọng kêu gọi các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận giữ vững những nghĩa vụ của mình và cuối cùng chống lại những biện pháp trừng phạt có đặc quyền ngoại giao của Mỹ đối với thương mại của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Theo các chuyên gia, bằng cách dần dần ngừng tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, Iran đang tìm cách gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các bên ký JCPOA rằng số phận của thỏa thuận không chỉ phụ thuộc vào các cam kết của Tehran mà còn vào sự sẵn sàng của các đối tác nhằm bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo khỏi các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ.

Ông Abas Aslani, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông đặt tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), đồng thời là tổng biên tập trang thông tin Iran Front Page đánh giá: "(Iran) muốn nói với các nước khác hay đưa ra cảnh báo với các bên khác rằng Iran muốn giải quyết và (hồi sinh) thỏa thuận hạt nhân, do mức độ giảm tuân thủ các cam kết hạt nhân so với mực độ làm giàu (uranium), không hề cao hơn nhiều, họ đã tăng từ mức 3,67% lên mức dưới 5% - đây dường như không phải một sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, thực tế, đây là một kiểu cảnh báo tới các bên khác nhằm loại bỏ các biện pháp trừng phạt".

Trong khi đó, ông Mohammad Marandi, giáo sư tại Đại học Tehran nhấn mạnh, động thái của Iran chỉ diễn ra sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và châu Âu không thể cung cấp cho Tehran những đảm bảo về kinh tế được hứa hẹn nhằm đổi lấy việc duy trì bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran.

Ông Marandi cho rằng: "Châu Âu và Mỹ hoàn toàn vi phạm JCPOA. Châu Âu đang thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran chỉ đơn giản thông qua việc không bảo vệ các doanh nghiệp, công dân, ngân hàng, các tập đoàn lớn, các công ty bảo hiểm của họ. Họ đã quá bị đe dọa để hợp tác với Iran, chính phủ các nước châu Âu cũng không mua dầu mỏ của Iran, họ hoàn toàn vi phạm".

Theo chuyên gia, Iran cảm thấy "thỏa thuận một chiều chỉ đơn giản là không bền vững", đồng thời tin rằng châu Âu quá ngạo mạn khi trông chờ Tehran tuân thủ đầy đủ trong khi những nước này "vi phạm hoàn toàn thỏa thuận".

Ông Marandi bày tỏ quan điểm: "Iran không tin vào lý lẽ của châu Âu rằng họ thể làm gì khác, bởi theo một số đánh giá, nền kinh tế châu Âu lớn hơn Mỹ, dân số châu Âu đông hơn và Nga cũng như Trung Quốc đã chống lại sự ức hiếp của Mỹ, họ vẫn tiếp tục giao thương với Iran. Nếu Nga và Trung Quốc làm được, Liên minh châu Âu (EU) cũng hoàn toàn có thể".

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, châu Âu hoàn toàn có thể dễ dàng nỗ lực cùng với Bắc Kinh và Moscow chống lại các lệnh trừng phạt song châu Âu cùng lúc muốn hưởng những điều tốt đẹp và muốn duy trì quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với những bước đi táo bạo, Iran hy vọng châu Âu sẽ "có dũng khí" và "chống lại sự ức hiếp của Mỹ" giống như Trung Quốc và Nga đang làm.

Cùng quan điểm, giáo sư chính trị quốc tế Inderjeet Parmar thuộc Đại học London cho rằng, Iran "về cơ bản đang cố gắng chia sẻ sức ép" cho châu Âu để INSTEX, một cơ chế thương mại các thành viên chủ chốt EU thiết lập để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, thực sự có hiệu quả. Trong khi đó, về khả năng Mỹ phản ứng với động thái mới nhất của Iran, chuyên gia Parmar hoài nghi việc Mỹ dám phát động chiến tranh với nước Cộng hòa Hồi giáo.

(theo AFP, Sputnik)