📞

Tổng thống Nga ra chỉ thị 'căng', Mỹ-NATO báo động, Thủ tướng Đức tuyên bố cự tuyệt hoàn toàn khí đốt Nga

Bảo Hà 07:04 | 28/02/2022
Ngày 27/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho chỉ huy quân đội nước này đặt các lực lượng răn đe của Moscow - ám chỉ các đơn vị bao gồm cả vũ khí hạt nhân - trong tình trạng báo động cao.
Tổng thống Nga chỉ thị đặt các lực lượng răn đe của Moscow trong tình trạng báo động cao. (Nguồn: Soha)

Chỉ thị viện dẫn tuyên bố mà ông Putin cho là "gây hấn" của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, nhà lãnh đạo Nga nói: "Không chỉ phương Tây thực hiện các biện pháp không thân thiện đối với đất nước chúng ta về khía cạnh kinh tế - các biện pháp trừng phạt trái phép - mà cả các quan chức chóp bu của các nước NATO hàng đầu cũng cho phép mình đưa ra những tuyên bố gây hấn liên quan đất nước của chúng ta".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng, chỉ thị của Tổng thống Putin là một động thái leo thang “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trong chiến dịch quân sự của Moscow nhằm vào Ukraine.

Bà Psaki nói: “Đây là một mô hình mà chúng tôi đã nhận thấy từ Tổng thống Putin thông qua chiều hướng của cuộc xung đột, vốn đang tạo những mối đe dọa không tồn tại nhằm biện minh cho hành động gia tăng cường độ tấn công”.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng: “Tổng thống Putin vẫn tiếp tục leo thang chiến tranh bằng cách thức hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ cũng cho rằng, chỉ thị trên của ông Putin là một động thái gây leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến những hậu quả “nguy hiểm hơn nhiều”.

Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn trong chương trình State of the Union trên kênh truyền hình CNN: “Đây là một giọng điệu nguy hiểm và vô trách nhiệm. Và dĩ nhiên, khi kết hợp với những gì họ đang làm trên thực địa ở Ukraine - phát động cuộc chiến chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền, tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, giọng điệu này khiến tình hình thêm trầm trọng”.

Người đứng đầu NATO kêu gọi Mỹ và châu Âu cần phải “thực sự đoàn kết” để đáp trả Nga: “NATO không muốn chiến tranh với Nga, chúng tôi không tìm cách đối đầu. Chúng tôi là một liên minh phòng thủ, song chúng tôi cần đảm bảo rằng, không có chỗ cho sự hiểu lầm, cùng những tính toán sai lầm về khả năng phòng thủ và bảo vệ đồng minh của chúng tôi”.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho rằng, quyết định của Tổng thống Nga đã “vượt sang một lằn ranh khác” và cho thấy chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine sẽ không diễn ra như kế hoạch.

Bà kêu gọi phương Tây tiếp tục đề cao “cảnh giác”, bởi “chúng tôi được khuyến cáo phải đặc biệt chú ý tới ông Putin và những tuyên bố của ông ta, không được phép đánh giá thấp ông ta”.

Cũng trong ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, Nga đã tăng giá "nhiên liệu xanh" một cách vô lý và đe dọa an ninh của châu Âu và không còn có thể được coi là đối tác bình thường.

Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ chuyển sang nguồn cung khí đốt từ Mỹ, đồng thời thúc giục mở rộng các cảng tiếp nhận khí đốt hóa lỏng (LNG) càng sớm càng tốt, sau đó sẽ không ký các hợp đồng mới với LB Nga.

(theo Reuters, AFP)