📞

Tổng thống Obama củng cố quan hệ với châu Âu tại G7

18:16 | 10/06/2015
Tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-7 diễn trong hai ngày 8- 9/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với các thành viên châu Âu.
Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 (8/6-9/6/2015).

Ông Obama đã nỗ lực làm việc với mục tiêu đảm bảo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu sẽ vẫn tiếp tục sau 18 tháng nữa khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu sẽ góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng như khủng khoảng Ukraine, tham vọng mở rộng phạm vi kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua xây dựng các đảo nhân tạo, những vấn đề có thể vẫn chưa được giải quyết cho tới khi ông Obama rời nhà Trắng.

Gợi lại “tình bằng hữu”

Hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này là cơ hội để Tổng thống Obama gợi lại “tình bằng hữu” với Đức, Anh và Pháp.

Trong chuyến đi tới một ngôi làng gần địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào Chủ nhật tuần trước, ông Obama đã nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng quan hệ đối tác giữa Mỹ và Đức là “một trong những liên minh mạnh nhất trên thế giới”. Mặc dù vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ theo dõi Thủ tướng Markel bị tiết lộ năm 2013 đã làm quan hệ song phương giữa hai nước có lúc căng thẳng, nhưng cho hiện nay quan hệ hai bên đã hạ nhiệt. Hơn nữa, cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Merkel đã phản đối một đề xuất của ông Obama về việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Việc hàn gắn quan hệ với Thủ tướng Đức, do đó, là một trong những mục tiêu chính của ông Obama tại Hội nghị thượng định G-7 lần này. Dường như ông đã đạt được mục tiêu đó khi bà Merkel nói rằng: “Mặc dù chúng tôi có những khác biệt về quan điểm trên nhiều vấn đề nhưng Mỹ là người bạn và đối tác quan trọng mà chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ”.

Trong một cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron vào Chủ nhật, Tổng thống Obama cũng đã hối thúc Anh duy trì vai trò thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), ông kêu gọi hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác.

“Chúng tôi rất mong muốn Vương quốc Anh duy trì vai trò thành viên của EU”, ông Obama nói. Ông cho rằng nước Anh có thể ảnh hưởng tích cực tới không chỉ châu Âu mà còn cả thế giới khi vẫn là thành viên và đóng vai trò dẫn dắt trong EU. Ông lo ngại việc nước Anh rời khỏi EU sẽ làm cho liên minh suy yếu và rất có thể sẽ sụp đổ. Điều này, nếu xảy ra, là một vấn đề lớn đối với Mỹ bởi vì một châu Âu yếu hơn rất có thể rơi vào tay Nga.

Trong một cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande vào ngày thứ Hai tuần qua, ông chủ nhà Trắng cũng đã nhất trí hai nước nên làm việc cùng với nhau để Hội nghị về Biến đổi Khí hậu Paris 2015 (COP21) có thể đưa ra một thỏa thuận chung.

Hoàn thành nhiệm vụ

Tổng thống Obama thấy rằng Hội nghị G-7 lần này là cơ hội để Mỹ và châu Âu có thể nhận ra những vấn đề cấp bách về địa chính trị trên thế giới. Hiện nay, chính quyền của ông tập trung ngăn chặn những cuộc xung đột lớn trên thế giới trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn tới xung đột vũ lực. Để làm được như vậy, việc Mỹ hợp tác với Anh, Đức và các đối tác châu Âu khác là vô cùng quan trọng.

Hội nghị G-7 lần này đã giúp Mỹ tăng cường quan hệ với các đồng minh và hướng hội nghị tới những vấn đề mà Mỹ đang quan tâm. Hội nghị cũng đã tạo ra khuôn khổ để các nước thảo luận về giải pháp hiện thực hóa mục tiêu trên, trước khi quyền lực chính trị của ông Obama bắt đầu suy giảm khi các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được tiến hành vào tháng Tám.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh tại Đức lần này bao gồm việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như thống nhất phản đối các hoạt động cải tại đất của Trung Quốc tại Biển Đông. Rõ ràng những kết quả đó đã khiến ông chủ nhà Trắng hài lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hằng Phạm (theo The Nikkei Asian Review)