📞

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sử dụng thành tích kinh tế làm 'lá bài' tái tranh cử?

Mai Ly 20:22 | 04/10/2021
Để chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022, Tổng thống Emmanuel Macron đang muốn sử dụng 'lá bài' là thành tích kinh tế. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không phát huy tác dụng đối với các cử tri Pháp.

Mặc dù vẫn chưa chính thức ứng cử, nhưng ông Macron dường như đã có kế hoạch hành động cho chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó có việc bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ của mình trước các chỉ trích của phe đối lập.

Không để phe đối lập liên tục phủ nhận những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của mình, ông Macron đã phát biểu trước các bộ trưởng trong cuộc họp chính phủ vào tháng 9 rằng: "Chúng ta phải chuẩn bị cho hành động của mình. Còn một trăm ngày để bảo vệ thành quả nhiệm kỳ, một trăm ngày cho chiến dịch bầu cử”.

Chính phủ của ông Macron không muốn để lại ấn tượng về một nhiệm kỳ vướng vào các cuộc khủng hoảng. (Nguồn: Bloomberg)

Xây dựng hình tượng "tiếp tục cải cách"

Trước đó, trong một bữa tiệc chiêu đãi tại Điện Elysée ngày 12/7, ông Macron kêu gọi các nghị sĩ phe đa số "đi thực địa, gõ từng cửa" để quảng bá thành tích nhiệm kỳ mà ông cho là chưa được đánh giá công bằng khi nhiều người dân Pháp chưa thừa nhận.

Quan điểm này cũng nhận được chia sẻ của nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ. Một cố vấn trong chính phủ Macron phàn nàn: “Chúng tôi đã làm rất nhiều điều nhưng chưa gây được ấn tượng với công chúng”.

Do đó, những người ủng hộ "ứng cử viên tổng thống" phải trở thành những “nhân viên tiếp thị” (VRP) cho nhiệm kỳ 5 năm của ông Macron, mà nhiệm vụ ở đây là thuyết phục người dân Pháp về sự cần thiết phải gia hạn “hợp đồng thuê nhà” của ông tại Điện Elysée.

Ngày 23/9, trong chuyến làm việc tại thành phố Lyon, Chủ tịch nhóm Cộng hòa Tiến bước (LRM – đảng do ông Macron thành lập) Christophe Castaner bắt đầu phân phát một tập tài liệu dài 8 trang phục vụ cho chiến dịch tranh luận của từng nghị sĩ phe đa số.

Đây chính là một trong những hoạt động được đề ra cho kế hoạch bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ mà LRM phát động từ đầu tháng 9, với khẩu hiệu ngắn gọn: "5 năm nữa". Phân phát một tờ rơi dài 6 trang với số lượng phát hành 1 triệu bản, lập một trang web đặc biệt, thực hiện chiến dịch quảng bá cũng là những nội dung trong kế hoạch này.

Mọi hành động đều nhằm mục đích làm cho dân chúng hiểu rằng trong 5 năm vừa qua, Tổng thống Macron đã "tiếp tục cải cách", kể cả trong thời gian diễn ra phong trào biểu tình “Áo vàng” hay đại dịch kéo dài.

Một khẩu hiệu khác đã được nhắc lại, đó là khả năng "bảo vệ" người dân của tổng thống trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Thành tích kinh tế là con "át chủ bài"

Bên cạnh thành tích kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế là các chương trình hỗ trợ tài chính khổng lồ chu cấp một phần trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, hoặc rót hàng tỷ Euro để trợ giúp các doanh nghiệp.

Thủ tướng Jean Castex nhấn mạnh trên báo Les Echos ngày 27/9 rằng “bất kể là giá nào” thì các chương trình này cũng đã giúp duy trì và đưa nền kinh tế phục hồi nhanh hơn như hiện nay.

Đối mặt với những chỉ trích từ phe đối lập, trong đó có cáo buộc ông Macron đã tăng thêm gánh nặng nợ công trong cuộc khủng hoảng và tiếp tục chi ngân sách cho tất cả các lĩnh vực kinh tế 7 tháng trước bầu cử, Tổng thống Macron gần đây lập luận rằng các chương trình ông đưa ra đều nhằm để vực dậy nền kinh tế và thành tích kinh tế của ông sẽ là một “chủ bài” trong chiến dịch tranh cử sắp tới.

Theo đánh giá của Jacqueline Gourault, Bộ trưởng Bộ liên kết lãnh thổ, tăng trưởng kinh tế Pháp ước tính đạt 6% trong năm 2021, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dừng ở mức 8%... Tổng thống Macron thường khá tự tin khi đề cập đến chính sách thuế “thân doanh nghiệp” mà chính phủ của ông ban hành nhằm mục đích làm cho nước Pháp trở nên “hấp dẫn hơn” đối với các nhà đầu tư.

"Chiến lược mà chúng ta theo đuổi trong 4 năm đang mang lại kết quả", đây là lời khẳng định của ông Macron nhân chuyến công tác tại tỉnh Hautes-Pyrénées ngày 16/7. Ông Macron đồng thời viện dẫn "những lợi ích cụ thể" của việc giảm thuế đối với các công ty.

Nếu các hộ gia đình giàu nhất nước Pháp được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế đánh vào những tài sản có giá trị như du thuyền, ngựa đua và các tài sản xa xỉ (hay được biết đến như thuế liên đới xã hội đánh vào tài sản - ISF), thì các nhà vĩ mô lại thích đề cập đến các biện pháp có lợi cho sức mua của tầng lớp trung lưu (trong đó có việc bãi bỏ thuế nhà ở) và tích sản (giảm đóng góp của người ăn lương).

Thế nhưng, theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 20/9 của OpinionWay-Square, có tới 58% người được hỏi đã xem các biện pháp kinh tế kể từ năm 2017 của ông Macron là tiêu cực.

(theo Le Monde)