Tổng thống Macron phát biểu tại Đại sứ quán của Pháp ở Bắc Kinh ngày 5/4. (Nguồn: Getty Images) |
Phát biểu với báo giới tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh trước thềm cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/4, ông Macron khẳng định, việc duy trì đối thoại với Bắc Kinh đóng vai trò chìa khóa vì cường quốc châu Á có quan hệ mật thiết với Moscow.
Nhà lãnh đạo Pháp đồng thời cho biết, Paris sẽ tìm cách phối hợp với Bắc Kinh “với trách nhiệm chung vì hòa bình và ổn định” tại Ukraine.
Liên quan quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu, theo Tổng thống Macron, không hề có sự gián đoạn trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Dù đã có những lo ngại không nhỏ về tương lai quan hệ giữa phương Tây với Trung Quốc, theo hướng dẫn tới một vòng xoáy gia tăng căng thẳng, và bản thân ông Macron cũng có cảm giác rằng đang diễn ra sự gián đoạn quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, song, ông chủ Điện Elysee khẳng định "không tin vào kịch bản này”.
Lưu ý "không được tách mình khỏi Trung Quốc" và cam kết "sẽ tích cực nhằm duy trì một quan hệ thương mại với Bắc Kinh, Tổng thống Pháp nhấn mạnh, lợi ích của Paris là duy trì một thế giới "đa cực".
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Macron tới Trung Quốc trong 4 năm qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đi cùng phái đoàn của ông Macron. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà von der Leyen kể từ khi nhậm chức cách đây hơn 3 năm.
Trước khi đến Trung Quốc, ông Macron và bà von der Leyen cho biết sẽ thuyết phục Bắc Kinh phối hợp tìm giải pháp hòa bình tại Ukraine.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, kêu gọi hai bên nhất trí một lộ trình giảm căng thẳng từng bước, dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện.
Quan hệ Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) những năm gần đây đã xấu đi, trước tiên do thỏa thuận đầu tư bị đình trệ năm 2021 và do xung đột tại Ukraine.
Đối với ông Macron, người đang đối mặt các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu trong nước, chuyến thăm này cũng là một cơ hội để giành một chiến thắng về kinh tế, khi tháp tùng ông là khoảng 50 chủ doanh nghiệp lớn, trong đó có Airbus hay tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF.
Cùng ngày 5/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna.
Trong cuộc gặp, ông Tần Cương cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực lên tầm cao mới, trong khi bà Colonna nói rằng, Paris đánh giá quan hệ với Bắc Kinh ở khía cạnh chiến lược và lâu dài.
Bên cạnh đó, Paris đánh giá cao Bắc Kinh thông qua những thỏa thuận đầy ý nghĩa được ký kết nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo bà, Pháp sẵn sàng duy trì hợp tác sâu rộng với Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực và cùng nhau giải quyết các thách thức trên toàn cầu.