Điện Kremlin cảnh báo, Nga có thể sẽ tịch thu thêm tài sản của các doanh nghiệp phương Tây. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 25/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh kiểm soát tạm thời đối với tài sản của 2 công ty năng lượng Unipro (thuộc sở hữu của Công ty năng lượng Uniper SE có trụ sở tại Đức) và Fortum Russia BV (thuộc Công ty năng lượng Fortum của Phần Lan).
Theo đó, sắc lệnh được thông qua do “cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp” để đáp trả các hành động bất hợp pháp của Mỹ và các quốc gia khác liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga, của các công ty và công dân Nga.
Sắc lệnh quy định, tài sản của các thực thể từ các quốc gia trên tại Nga sẽ được đặt dưới sự quản lý hành chính tạm thời của Cơ quan Quản lý tài sản nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo), trong trường hợp có những động thái không thân thiện hoặc có “mối đe dọa đến quốc gia, kinh tế, năng lượng và các loại an ninh khác”.
Sau khi ký sắc lệnh, ngày 26/4, Điện Kremlin cảnh báo, Moscow có thể sẽ tịch thu thêm tài sản của các doanh nghiệp phương Tây.
Tín hiệu cảnh báo phương Tây
Sắc lệnh nói trên là một tín hiệu cảnh báo đối với phương Tây, đặc biệt là đối với Liên minh châu Âu (EU)-vốn đang thảo luận về việc liệu các tài sản bị phong tỏa của Nga có nên được sử dụng để tái thiết Ukraine hay không.
Đây cũng là phản ứng mạnh mẽ của Moscow sau khi hãng tin Bloomberg tiết lộ giới chức các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang cân nhắc lệnh cấm vận đối với gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Nga.
Theo tiêu chí trừng phạt hiện nay của phương Tây, tất cả các hàng hóa đều được phép xuất khẩu sang Nga ngoại trừ những mặt hàng bị trừng phạt.
Nếu các nhà lãnh đạo G7 nhất trí với kế hoạch trừng phạt mới, họ sẽ thương lượng để thống nhất những mặt hàng nào được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu sang Nga. Theo một nguồn tin, có khả năng thuốc men và các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm sẽ được miễn trừ.
Lần đầu tiên sau khi xung đột tại Ukraine đang diễn ra, Nga đặt các công ty tiện ích dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Cả Unipro và Fortum đều đã cố gắng giảm bớt cổ phần ở Nga kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu, nhưng Nga đã không cho phép điều đó.
Động thái của Moscow khiến các công ty đang cố gắng di dời khỏi Nga gặp khó. Các công ty có cổ phần trong các dự án năng lượng và ngân hàng sẽ phải đối mặt với các lộ trình rút lui nghiêm ngặt hơn.
Ông Mario Mehren, Giám đốc điều hành của Wintershall Dea, một công ty dầu khí châu Âu sắp rời khỏi Nga cho hay, công ty hiện vẫn không bị ảnh hưởng nhưng các chính sách của Nga là “không thể đoán trước” và "không đáng tin cậy".
Ông nói: “Quyết định rút khỏi Nga của chúng tôi là quyết định cuối cùng và không có đường quay lại. Mọi thứ đều có thể xảy ra ở Nga trong những ngày này".
Ăn miếng trả miếng
Điện Kremlin từ lâu đã đe dọa quốc hữu hóa tài sản của các công ty rời khỏi nước này. Động thái của Nga phản ánh các biện pháp tương tự mà Đức và Ba Lan áp dụng đối với các công ty và tài sản thuộc sở hữu của Nga, vốn cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh năng lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.
Hồi tháng 6/2022, chính quyền Đức đã tiếp quản Gazprom Germania-chi nhánh của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tại nước này.
Tập đoàn Gazprom đã rút toàn bộ cổ phần khỏi Gazprom Germania vào tháng 4/2022 sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và chính phủ Đức đã phải đặt công ty này dưới sự bảo hộ để tránh nguy cơ phá sản khi đang có khoản nợ lên tới 3 tỷ Euro.
Tháng 11 cùng năm, Warsaw nắm giữ 48% cổ phần của Gazprom trong liên doanh EuRoPol GAZ-đại diện chủ sở hữu của Ba Lan trong dự án đường ống khí đốt Yamal-châu Âu.
Cho đến nay, Moscow vẫn tránh việc tịch thu hoàn toàn tài sản của các công ty nước ngoài ở Nga, mặc dù trong nhiều trường hợp, những tài sản đó đã bị "bỏ hoang", khi các công ty tìm cách rời khỏi đất nước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, sắc lệnh không liên quan đến quyền sở hữu mà chỉ liên quan đến quyền quản lý tài sản, không tước đoạt tài sản của chủ sở hữu vì việc quản lý chỉ là tạm thời và chỉ có nghĩa là chủ sở hữu ban đầu không còn quyền đưa ra quyết định quản lý.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Biện pháp này có thể được mở rộng sang các tài sản khác nếu cần thiết. Sắc lệnh được thông qua là một phản ứng đáp trả của Nga đối với các hành động gây hấn của các quốc gia không thân thiện. Mục đích chính của sắc lệnh là thành lập một quỹ bồi thường để có thể áp dụng các biện pháp có đi có lại nhằm đối phó với việc chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản Nga ở nước ngoài".