📞

Tổng thống Putin: Tuyên bố quyền đáp trả nếu phương Tây để bị cuốn vào xung đột, bênh vực ông Trump, thái độ đáng chú ý với Hàn Quốc

Bảo Minh 15:26 | 06/06/2024
Ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với những người đứng đầu các cơ quan truyền thông nước này và quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, kéo dài hơn 3 giờ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với lãnh đạo các cơ quan truyền thông lớn ngày 5/6. (Nguồn: TASS)

Đây là cuộc gặp thường niên được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg. Tuy nhiên, đây là cuộc gặp đầu tiên theo hình thức này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.

Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo đã trả lời nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, tình hình Ukraine và các vấn đề khu vực.

Về vấn đề Ukraine, Tổng thống Putin cho biết, nếu Nga nhận thấy các nước phương Tây bị lôi kéo vào cuộc xung đột chống lại Moscow thì đó là hành động tham gia trực tiếp và đất quốc gia của ông có quyền hành động đáp trả, song cảnh báo, "điều này sẽ dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng".

Khẳng định Nga luôn sẵn sàng đàm phán nhưng đây phải là mong muốn chung của các bên mới có thể thực hiện được, nhà lãnh đạo hy vọng Moscow và phương Tây cũng như các nước khác trên thế giới nói chung sẽ dần tiến tới hòa bình thay vì leo thang không ngừng.

Theo ông Putin, Nga không có tham vọng đế quốc, đồng thời bác bỏ thông tin rằng Moscow có kế hoạch tấn công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đối với các biện pháp trừng phạt Nga, ông chủ Điện Kremlin cho rằng, phương Tây đã lên kế hoạch làm suy yếu nền kinh tế nước này trong thời gian từ 3-6 tháng nhưng điều này không thực hiện được, trong khi Moscow đã đạt mục tiêu lọt vào Top 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nga sẽ duy trì tốc độ phát triển và bắt đầu tự sản xuất mọi thứ nước này cần và "đó chỉ là vấn đề thời gian".

Với Mỹ, Nga sẽ không thay đổi gì trong quan hệ song phương bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Nhà lãnh đạo cũng chỉ trích rằng, phán quyết của Tòa án Tối cao Manhattan đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump "đơn giản là hành vi lợi dụng hệ thống tư pháp” để phục vụ “cuộc đấu tranh chính trị nội bộ”.

Với Italy, Tổng thống Nga hy vọng sẽ nhanh chóng khôi phục mối quan hệ giữa hai nước sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine kết thúc.

Ông nói rõ: “Chúng tôi rất hy vọng rằng cuối cùng, có lẽ sau khi tình hình Ukraine được giải quyết bằng cách nào đó, chúng tôi sẽ có thể khôi phục quan hệ với Italy và thậm chí có thể nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác".

Theo ông Putin, quan điểm của chính phủ Italy "bị hạn chế hơn so với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác”."

Tương tự, đối với Hàn Quốc, đồng minh châu Đông Bắc Á của Mỹ, Tổng thống Putin nhận định: "Chúng tôi không thấy bất kỳ lập trường bài Nga nào khi làm việc với chính phủ ở Seoul. Không có bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho khu vực xung đột. Chúng tôi đánh giá cao điều đó".

Nhà lãnh đạo kỳ vọng mối quan hệ với Seoul sẽ được duy trì, ít nhất một phần, để khôi phục trở lại chiều sâu như trước trong tương lai.

Bình luận này thu hút sự chú ý vì ông Putin đã thể hiện thái độ tích cực với Hàn Quốc và công khai nói về khả năng cải thiện quan hệ với quốc gia Đông Bắc Á, sau sự lạnh nhạt kể từ khi Seoul tham gia động thái do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Moscow vì xung đột ở Ukraine.

Về vấn đề Triều Tiên, ông Putin tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, đối với một đồng minh Đông Bắc Á khác của Mỹ là Nhật Bản, nhà lãnh đạo không dành bình luận tích cực khi nói rằng, đối thoại Nga-Nhật sẽ có thể diễn ra sau khi Tokyo thay đổi lập trường về Ukraine.

Ông Putin nói: “Hiện không có điều kiện nào để tiếp tục đối thoại giữa Nga và Nhật Bản về hiệp ước hòa bình. Chúng tôi không từ chối nối lại, nhưng chỉ khi các điều kiện cần thiết được tạo ra và trước hết là từ phía Nhật Bản”.

Theo ông, Nga, khác Nhật Bản, không làm làm phức tạp cuộc đối thoại song phương và lưu ý “sự tham gia của Tokyo vào cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Về cuộc xung đột Israel-Palestine, Tổng thống Putin cho rằng, các bên liên quan ở Trung Đông nên đóng vai trò quyết định và Nga có thể đóng góp vào nỗ lực giải quyết vấn đề này.

(theo TASS, AFP, Yonhap)